Rose Cipollone bắt đầu hút thuốc vào năm 1942 khi mới 16 tuổi. Trong vài năm đầu, cô hút thuốc lá Chesterfield do Tập đoàn Liggett sản xuất. Rose luôn nói ngưỡng mộ "những cô gái xinh đẹp và những ngôi sao điện ảnh" được mô tả trong các quảng cáo của Chesterfield. Do đó, cô bắt đầu hút thuốc để có vẻ ngoài "quyến rũ".
Một điều nữa khiến Rose chọn thuốc lá Chesterfield là Liggett mô tả chúng "nhẹ", mà theo ý hiểu của cô gái, nghĩa là "an toàn."
Trên thực tế, Rose Cipollone là người quan tâm tâm sâu sắc đến sức khỏe, và luôn tìm thương hiệu thuốc lá ít có hại nhất, theo quảng cáo.
Năm 1955, Rose bắt đầu hút thuốc lá đầu lọc L&M, cũng do Liggett sản xuất do quảng cáo đầu lọc giúp thuốc lá an toàn hơn. Dù vậy giữa những năm 1960, Rose bắt đầu ho nhiều, đau ngực và tăng huyết áp.
Rose lại chuyển sang Virginia Slims và sau đó là Congress, đều của Philip Morris, vì hãng quảng cáo rằng đầu lọc lõm khiến điếu thuốc ít gây hại cho sức khỏe. Thay đổi cuối cùng vào năm 1974, khi Rose chọn thuốc True, do Lorillard, Inc. sản xuất, được quảng cáo là "ít hắc ín".
Bất kể nhãn hiệu nào, Rose đều hút hai bao mỗi ngày, liên tục 40 năm, 1942- 1982, chỉ giảm nửa bao vào những năm mang thai.
Rose được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi vào năm 1981, vẫn tiếp tục hút thuốc, buộc phải cắt bỏ một bên phổi vào năm 1982. Bà ngừng hút thuốc vào năm 1983 và qua đời, ngay năm sau, khi mới 56 tuổi.
Trước khi chết, bà Rose và chồng, ông Antonio Cipollone, đã nộp đơn kiện lên Tòa án Liên bang của New Jersey để yêu cầu Liggett, Philip Morris và Lorillard bồi thường thiệt hại. Họ cho rằng thuốc lá của các công ty này không "vô hại" như quảng cáo, mà gây ra bệnh ung thư phổi cho bà.
Thời kỳ này, thuốc lá là nguồn tài nguyên kinh tế chủ yếu trong nền kinh tế Mỹ. Việc hút thuốc bắt đầu đi vào văn hóa và lối sống của công chúng Mỹ, gắn liền với những thứ như "sexy, ngầu, nam tính".
Giới y khoa những năm 1950 vẫn cố chứng minh chứng hút thuốc lá có hại. Trong một cuộc điều tra của Hạ viện về Sức khỏe và Môi trường quanh sự nguy hiểm của thuốc lá, CEO của công ty thuốc lá lớn nhất thời kỳ đó thẳng thừng tuyên bố "tôi không tin nicotine là chất gây nghiện có hại".
Trước tranh cãi nảy lửa của giới khoa học và các doanh nhân, người tiêu dùng không biết nghe theo bên nào. Các nhà bảo vệ sức khỏe bắt đầu khai hoả, tuyên chiến với ngành thuốc lá với cáo buộc biết rõ thuốc lá có hại nhưng cố lờ đi vì lợi nhuận.
Rose không phải trường hợp đầu tiên đâm đơn kiện các ông lớn ngành thuốc lá, mà việc này đã bắt đầu từ những năm 1950. Và các công ty thuốc lá luôn thắng.
Đến những năm 1970, làn sóng văn hóa về hút thuốc một lần nữa thay đổi. Với các bằng chứng y học tiên tiến hơn, mối liên hệ giữa hút thuốc và các bệnh như ung thư ngày càng phổ biến. Các công ty thuốc lá có ít lựa chọn hơn để che giấu sự thật này.
Năm 1966, Quốc hội Mỹ chính thức áp dụng Đạo luật Thuốc lá, trong đó quy định: Người nào sản xuất, nhập khẩu hoặc đóng gói để bán thuốc lá tại Mỹ mà không in cảnh báo Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe trên bao bì, đều là phạm pháp. Cảnh báo phải được đặt ở vị trí dễ thấy trên mỗi gói thuốc lá và phải dễ đọc, theo phông chữ, bố cục hoặc màu sắc khác biệt với các nội dung khác trên bao bì.
Trong phiên tòa năm 1988 ông Antonio đòi bồi thường thiệt hại dựa trên 6 lý do, trong đó có việc các công ty không cảnh báo đầy đủ về các nguy cơ sức khỏe của việc hút thuốc; tiếp thị thuốc lá xuyên tạc và âm mưu lừa dối công chúng về nguy cơ sức khỏe của việc hút thuốc. Trong khi đó, phía bị đơn cho rằng "chẳng làm gì sai".
Năm 1988, bồi thẩm đoàn của toà án New Jersey đã bất ngờ tuyên phần thắng cho ông Antonio, buộc ba công ty thuốc lá phải liên đới bồi thường 400.000 USD (khoảng một triệu USD ngày nay). Đây là vụ kiện đầu tiên ghi nhận phần thắng thuộc về người tiêu dùng.
Bồi thẩm đoàn nhận định, trước năm 1966, công ty đã không cảnh báo về những nguy cơ sức khỏe khi hút các sản phẩm của mình. Ngoài ra, các quảng cáo thuốc lá của công ty có hàm ý đảm bảo rằng thuốc lá của họ an toàn, do đó rõ ràng có vi phạm.
Ba ông lớn ngành thuốc kháng cáo. Vụ kiện được xử thêm một lần tái thẩm và 3 lần phúc thẩm. Năm 1990, tòa phúc thẩm lần ba vẫn tuyên mức bồi thường 400.000 USD cho phía nguyên đơn.
Ông Antonio và luật sư có thể tiếp tục kiện đòi thêm tiền bồi thường nếu có bằng chứng trước Đạo luật Thuốc lá năm 1966, các công ty thuốc lá hoàn toàn nhận thức được các rủi ro sức khỏe khi hút song không cảnh báo người tiêu dùng.
Năm ngày sau phán quyết, ông Antonio chết, con trai ông tiếp tục theo đuổi vụ kiện ngành thuốc lá nói chung, ở cấp Tòa Tối cao song bất thành.
Cipollone kiện Liggett Group, Inc. là một trong những vụ kiện bảo vệ người tiêu dùng tốn kém nhất lịch sử nước Mỹ, kéo dài suốt 5 năm. Số tiền bồi thường 400.000 USD trở thành vô nghĩa khi chi phí đeo đuổi vụ kiện cao gấp nhiều lần. Các công ty thuốc lá cũng thủng hầu bao không ít, ước tính hơn 5 triệu USD phí thời gian và thuê luật sư.
Vụ kiện đến nay vẫn được các nhà bình luận coi là một thành tựu lớn trong "cuộc thập tự chinh chống thuốc lá". Sự việc thu hút sự chú ý Quốc hội, Phố Wall, và các cộng đồng pháp lý trên cả nước và họ vẫn luôn chia làm hai phe.
Sau vụ này, các công ty thuốc lá buộc thay đổi một số hoạt động. Vụ kiện cũng làm giảm mức tiêu thụ thuốc lá.
Chủ tịch Dự án Trách nhiệm về Sản phẩm Thuốc lá, Trường Luật Đại học Northeastern, nhận định: "Rõ ràng là hàng trăm nghìn sinh mạng đã được cứu sống nhờ vụ kiện này".
Đạo luật Thuốc lá liên bang mới nhất của Mỹ được ban hành năm 2009, dưới thời tổng thống Barack Obama, trong đó siết chặt các quy định về mặt cảnh báo. Ngoài "có hại", còn phải nhấn mạnh thuốc "gây chết người", kèm hình ảnh có màu, đánh mạnh vào cảm xúc, như khói thuốc lá bao trùm một đứa trẻ sơ sinh; cặp phổi bị bệnh cạnh một cặp phổi lành; miệng hút thuốc lá có vết thương như ung thư; người đàn ông thở bằng mặt nạ dưỡng khí; tử thi nam để ngực trần nằm trên bàn phơi bày lá phổi tổn thương...
Đạo luật cũng cấm thuốc lá có hương vị, đặt giới hạn quảng cáo các sản phẩm thuốc lá cho trẻ vị thành niên và yêu cầu các công ty thuốc lá xin sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đối với các sản phẩm thuốc lá mới.
Hải Thư (Theo Tulane Law Review, LA Times, NYT)