Mọi chuyện bắt nguồn từ ngày 24/5/2017, khi Từ Hiểu Đông tham gia ghi hình chương trình "Đông ca lạt bình". Võ sĩ MMA thừa nhận, anh gọi Trần Tiểu Vượng - chưởng môn hiện tại của Trần Thức Thái Cực quyền, một trong năm nhánh chính của Thái Cực quyền - là "nguỵ quân tử" và "cẩu tử". Chương trình này được phát công khai và đến tai võ sư họ Trần.
Trong buổi phỏng vấn với The Cover, hai ngày sau khi hạ knock-out Lã Cương hôm 18/5/2019, Từ cho biết, anh gọi như vậy bởi biết được Trần đã gian dối khi "lót tay" cho Long Vũ 7.900 USD để đóng kịch trong chương trình "Thuỳ dữ tranh phong". Dựa vào điểm này, võ sĩ MMA bóc mẽ võ sư Thái Cực. Tuy nhiên, võ sĩ gốc Bắc Kinh không ngờ chưởng môn Trần Thức Thái Cực quyền từng là một luật sư. Vị này cho rằng Từ làm tổn hại nghiêm trọng tới thanh danh của ông và đâm đơn kiện.
Cuộc chiến pháp lý đầu tiên giữa Từ và Trần diễn ra tại Hà Nam vào năm 2017, vài tháng sau những lời bình luận của võ sĩ MMA. Đây là nơi Trần Tiểu Vượng đã hạ Long Vũ, và ông đòi đối phương chưng ra bằng chứng. Theo Sohu, những lá đơn đầu tiên được Trần gửi đến huyện Trung Nguyên, Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Dù vậy, đơn khiếu nại của võ sư ngoài tuổi 70 sớm bị bác. Toà án Trung Nguyên ra phán quyết, rằng những vụ tranh chấp về danh tiếng phải được xử tại nơi cư trú của nguyên cáo hoặc bị cáo.
Trần Tiểu Vượng quê tại Hà Nam, và vẫn đứng tên chủ sở hữu nhiều bất động sản tại tỉnh này, nhưng vào thời điểm khởi kiện Từ Hiểu Đông, ông không còn quốc tịch Trung Quốc. Võ sư này đã định cư và nhập quốc tịch Australia. Lựa chọn duy nhất của Trần, nếu muốn tiếp tục theo kiện Từ Hiểu Đông, là tới Bắc Kinh - nơi ở của đối phương.
Trong hơn một năm sau đó, Trần đã thuê nhiều luật sư, xem xét và chuẩn bị đầy đủ tài liệu để khởi kiện lần thứ hai tại Bắc Kinh. Tháng 10/2018, toà án quận Tây Thành, Bắc Kinh chính thức tiếp nhận vụ án. Với "lợi thế áp đảo về danh tiếng cùng lực lượng tiền hô hậu ủng", như Sohu bình luận, Trần chiến thắng. Võ sư Thái Cực yêu cầu Từ Hiểu Đông xin lỗi chính thức trên các phương tiện truyền thông, và đền bù mọi phí tổn mà ông bị phương hại trong hơn một năm.
Từ Hiểu Đông không chấp nhận bản án này, và kháng cáo lên toà án trung cấp ở Bắc Kinh. Quá trình tố tụng lần thứ ba giữa hai bên kéo dài, nhưng những bằng chứng mà Từ Hiểu Đông đưa ra kém thuyết phục hơn hẳn so với phía bên kia. Tại lần xét xử lần thứ ba, vào đầu năm 2019, Từ không thể lật ngược tình thế. Những thông tin anh nắm được từ Long Vũ chỉ là nói miệng. Sohu tiết lộ, Từ thậm chí không thể thuyết phục Long Vũ ra làm chứng trước toà án Bắc Kinh.
"Đây có lẽ là thất bại đau đớn nhất trong cuộc đời Từ Hiểu Đông, nhưng anh ta không phục, thậm chí xử sự theo kiểu nổi loạn sau đó", Sohu đánh giá. Trang mạng Trung Quốc cũng cho biết, Từ chỉ chấp nhận nộp phạt 6.700 USD tiền án phí, chứ không đăng đàn xin lỗi công khai Trần Tiểu Vượng.
Việc không thi hành phán quyết theo án phúc thẩm khiến Từ bị hạ mức hạnh kiểm công dân. Anh bị xếp vào diện "thất tín", bị quản chế, và không được phép sử dụng một loạt các phương tiện công cộng như máy bay, tàu cao tốc, mua bán bất động sản...Ngày 29/4/2019, toà án Bắc Kinh tiếp tục gửi trát tới Từ Hiểu Đông, yêu cầu anh xin lỗi công khai Trần Tiểu Vượng, nếu không muốn bị nâng án phạt.
Theo QQ, Từ vừa nhận được một tối hậu thư từ toà án, với nội dung tăng nặng án phạt. Trang mạng này cho biết, lời xin lỗi của Từ sẽ phải đăng trong bảy ngày liên tiếp, trên trang NetEase - một trang chuyên về công nghệ, kinh doanh và game, có lượng truy cập lớn bậc nhất Trung Quốc. Cũng theo nguồn tin này, chi phí để Từ đăng bài trên NetEase không hề rẻ, và sẽ tiêu tốn của anh khoảng 1.000 USD.
Trước khi vạ miệng với Trần Tiểu Vượng, Từ cũng lọt vào danh sách được quan tâm đặc biệt của giới trách. Anh xuất hiện trong một số vụ gây mất trật tự công cộng như tổ chức tỉ thí võ trái phép, và từng bị cảnh sát Thượng Hải bắt vài phút trước khi thi đấu với Mã Bảo Quốc hồi năm 2017. Cũng bởi nằm trong diện bị quản chế, Từ Hiểu Đông buộc phải đến thành phố Karamay, Tân Cương bằng tàu thường, qua hành trình kéo dài 40 tiếng.
Dù vướng vòng lao lý, Từ Hiểu Đông được đông đảo cư dân mạng Trung Quốc ủng hộ. Sohu trích dẫn một lời động viên gửi đến Từ: "Việc xin lỗi không đáng xấu hổ. Nó chẳng tổn hại gì đến oai nghiêm và sự thẳng thắn của anh".
Thắng Nguyễn