Con cừu Dolly. Ảnh: Inet |
Cô nàng cũng làm dấy lên một loạt những hy vọng, mối lo ngại và cả một cuộc bút chiến về đạo đức mà đến giờ vẫn chưa ngã ngũ.
Câu hỏi đặt ra là các nhà khoa học đã đạt được gì từ sự sáng tạo ra Dolly.
"Dolly đã đưa chúng ta tới đâu?", bác sĩ Sue Mayer, thành viên của Hiệp hội GeneWatch, Anh, nói. "Vấn đề lo ngại lớn nhất là cô nàng đã đưa chúng ta vào một ngõ cụt".
"Thay vì tìm ra nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh, chúng ta lại đang đi theo những cách chữa trị chớp nhoáng và phóng đại mà có thể chẳng bao giờ có kết quả".
"Và cô nàng mở ra một góc độ mới trong việc sinh sản vô tính, một cách cửa mà các nhà khoa học đang cố mở ra trong khi chúng ta thực sự nên đóng chặt".
Phương pháp dẫn tới sự ra đời của Dolly được gọi là somatic cell nuclear transfer (chuyển nhân tế bào xôma) mà hầu như không thay đổi trong cả thập kỷ qua: theo đó, một quả trứng được lấy ra và nhân của nó - thông tin ADN tạo nên cuộc sống - được tách bỏ.
Nhân này sẽ được thay thế qua ống nghiệm bằng một nhân tế bào lấy từ con vật được nhân bản. Quả trứng được tái tạo này sẽ được đặt vào một chiếc đĩa chứa hoá chất để phân tách. Vài ngày sau nó sẽ trở thành một nhóm tế bào đủ lớn để cấy vào tử cung của người mẹ nuôi.
Dolly, được sinh ra từ Viện Roslin ở Edinburgh, được lấy tên từ Dolly Parton, một ca sĩ nhạc đồng quê có bộ ngực đồ sộ, bởi tế bào được nhân bản lấy từ tuyến vú của một con cừu.
Tên trong phòng thí nghiệm của nó là 6LL3. Sau đó người ta mới biết rằng cũng chính nhóm đó, do Ian Wilmut đứng đầu, đã tạo ra 2 con cừu từ tế bào phôi.
Vì vậy nói một cách chính xác thì Dolly là con vật có vú đầu tiên được nhân bản thành công từ một tế bào trưởng thành.
Sau bước đột phá này, một loạt những con vật nhân bản khác được ra đời: ngựa, bò đực, lợn, chuột, thỏ, mèo, chó...
Nhưng tỷ lệ thất bại của trứng cũng khá cao, và trong số những phôi thành công thì có rất nhiều bị lỗi, như trường hợp của Dolly đã bị chết sớm, một minh chứng rõ ràng cho bất cứ nhà khoa học nào định tìm cách nhân bản em bé.
Nguyên nhân được cho là phần mềm gene không được chuyển giao hoàn toàn hoặc bị hư hỏng trong lúc chuyển. Kết quả là cỗ máy hoạt động bị sai sót - gene không bật hoặc tắt như nó cần phải làm trong quy trình phức tạp tạo ra protein.
Vậy nếu việc nhân bản phức tạp, tốn kém và đầy rủi ro như vậy, tại sao người ta phải bận tâm? Lý do hấp dẫn là để phục vụ y học.
Một con vật nhân bản trong phòng thí nghiệm như chuột có thể trở thành một công cụ đắc lực cho thí nghiệm. Và một con vật nuôi trong trang trại có thể được biến đổi và nhân bản để tạo ra những protein dược phẩm hiếm có trong sữa - cừu Dolly được tạo ra với mục đích đó.
Nhưng phần thưởng lớn nhất là để nhân bản tế bào gốc phôi, những tế bào nguyên thuỷ của phôi có khả năng phát triển thành bất cứ mô nào trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu tin rằng các tế bào gốc phôi một ngày nào đó sẽ trở thành mô tái tạo chữa được các tế bào não, dây thần kinh, gan, thận và các cơ quan khác bị bệnh tật huỷ hoại. Vì vậy nếu những tế bào gốc này là phiên bản ADN của chính bệnh nhân, chúng sẽ không bị hệ miễn dịch đào thải.
Vào thời điểm này, việc nhân bản tế bào phôi gốc dành cho bệnh nhân vẫn còn là chuyện xa vời. Nhà khoa học duy nhất tuyên bố đã thành công là Hwang Woo-Suk của Hàn Quốc nhưng đã bị lộ diện là lừa đảo vào tháng 1 năm nay.
Nhiều quốc gia đã ban hành luật về vấn đề nhân bản sau khi giáo phái Rael tuyên bố năm 2002 là đã tạo ra đứa trẻ nhân bản đầu tiên. Tuyên bố này đến nay vẫn chưa được xác thực và hầu hết các nhà khoa học đều nghi ngờ nó. Tuy vậy, nhiều người phỏng đoán rằng việc con người nhân bản đầu tiên ra đời chỉ còn là vấn đề thời gian.
M.T. (theo AFP)