Với quy mô của Google, trục trặc là điều không thể tránh. Mỗi khi có sự cố, việc đầu tiên là sửa lỗi để mọi thứ trở lại như cũ. Nhưng nếu chúng tôi không học từ những sai lầm, nó sẽ lặp lại. Thực hiện "khám nghiệm tử thi" là cách chúng tôi học từ sai sót. Mỗi biên bản khám nghiệm ghi lại toàn bộ những thay đổi đã dẫn đến sự cố, ai, đã làm gì, ảnh hưởng của sự cố đến công ty và khách hàng.
Hầu hết khám nghiệm được công bố rộng rãi. Biên bản của những sự cố nghiêm trọng nhất thường được gửi trực tiếp đến hòm thư của mỗi nhân viên. Chúng tôi có "Câu lạc bộ cùng đọc khám nghiệm tử thi" và còn có cả bầu chọn "khám nghiệm tử thi" hay nhất tháng. Mỗi biên bản ngồn ngộn thông tin, nhưng tôi thích nhất mục "ta đã may mắn thế nào". Mục này liệt kê những hành động đã được làm đúng, giúp giảm thiệt hại sự cố, nhưng không phải vì chúng tôi biết, mà vì hên. Tôi đọc kỹ nó vì muốn biết chỗ nào chúng tôi gặp may, vì có thể lần sau sẽ không may nữa. Những điểm mù như vậy rất nguy hiểm. Nó tạo ra sự tự tin thiếu cơ sở. Phải rất bình tĩnh, khiêm cung và cầu thị mới có thể tự nhận ra những điểm mù của chính mình. Google không phải là nơi phát minh ra văn hóa viết khám nghiệm tử thi, nhưng đã góp phần phổ biến văn hóa không đổ lỗi đến nhiều công ty khác khi đưa điều này vào cuốn cẩm nang lừng danh về đảm bảo ổn định hệ thống.
Cuộc tranh luận gai góc về chuyện đeo hay không đeo khẩu trang ở Mỹ, châu Âu và châu Á khiến tôi nghĩ lại về vế "may mắn" của mình, khi là một người châu Á ở Mỹ. Khi tôi lên máy bay quay lại California vào đầu tháng hai, dịch Covid-19 đã bùng phát ở Việt Nam và Châu Á. Từ Tân Sơn Nhất đến Hongkong, rất nhiều người mang khẩu trang. Sân bay Hongkong còn kiểm tra thân nhiệt mỗi người. Nhưng khi đến San Francisco, những khuôn mặt có khẩu trang trở thành thiểu số. Ngay cả các viên chức hải quan, mỗi ngày tiếp xúc với hàng trăm người từ khắp nơi trên thế giới, cũng không đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách an toàn.
Qua khỏi hải quan, vào thang máy để ra về, tôi thấy trong thang máy đã có sẵn một đại gia đình. Thấy chúng tôi đeo khẩu trang, họ ngay lập tức trở nên sợ hãi, xôn xao nói với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha. Người lấy tay bịt miệng, người kéo khăn choàng lên che, người cố gắng đứng càng xa tôi càng tốt. Tình hình còn tệ hơn khi tôi đón Uber về nhà. Anh tài xế khó chịu ra mặt, nhấn hết ga, có vẻ như chỉ muốn kết thúc chuyến đi càng sớm càng tốt.
Ban đầu tôi cũng thấy bực, không hiểu sao dịch bệnh lây lan mà không ai đeo khẩu trang, mình làm đúng mà còn bị phân biệt đối xử. Sau đó tôi mới nhớ ra, trong gần 10 năm ở Mỹ tôi chưa bao giờ đeo khẩu trang khi ra đường. Còn những khi về thăm Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, không khi nào ra đường mà thiếu khẩu trang. Nhiều năm qua, các cơ quan chuyên trách ở Mỹ cũng đã khuyến cáo chỉ những ai bị bệnh mới đeo khẩu trang.
Thôi thì nhập gia tùy tục, chúng tôi cũng không đeo khẩu trang. Trong vòng 14 ngày sau chuyến bay, chúng tôi tự động hạn chế gặp gỡ bạn bè, tụ tập đông người. Tình hình ở Vũ Hán càng lúc càng căng, nhưng ở Mỹ, từ tổng thống đến dân thường và các công ty, không mấy ai lo lắng. Khi thấy xung quanh không ai lo, tự dưng tôi cũng bớt đề phòng, mặc dù tất cả các dấu hiệu cho thấy đại dịch đang âm thầm lan đến nước Mỹ. Đây là bài học tôi sẽ nhớ mãi: khi có nhiều người cùng lo, bạn không cần phải quá sợ; nhưng khi cả cộng đồng không có ai sợ, bạn phải rất lo.
Đến tuần này thì Nhà Trắng, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và các chuyên gia, sau rất nhiều tranh luận, đã khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang vải khi ra đường, để dành khẩu trang phẫu thuật và N95 cho nhân viên y tế. Tôi chợt nhớ đến câu nói của một người bạn từ cách đây vài tuần, "nếu bạn nghe lời chính phủ không đi mua khẩu trang thì bạn là công dân tốt và cũng rất ngây thơ". Thật trớ trêu khi chính phủ một siêu cường lại khiến người dân phải rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Đại dịch Covid-19 làm bộc lộ rất nhiều vấn đề trong hệ thống y tế Mỹ, nhưng riêng chuyện khẩu trang, tại sao Mỹ lại không thể làm tốt như một nước nghèo hơn rất nhiều là Việt Nam? Nếu phải viết "khám nghiệm tử thi" cho tình huống này, chúng ta sẽ tìm thấy một sự may mắn.
Một phần của kết quả tích cực mà Việt Nam đang có là nhờ ta may thay có văn hóa đeo khẩu trang. Người Việt mang khẩu trang để hạn chế khói bụi, ô nhiễm không khí, vì lý do thẩm mỹ, một phần vì các dịch bệnh trước đây. Vì nhiều người khỏe mạnh vẫn đeo khẩu trang, không ai bị phân biệt đối xử. Vì rất nhiều người có nhu cầu, việc mua khẩu trang cũng dễ và giá cũng rẻ hơn rất nhiều so với ở Mỹ, ngay cả khi không có dịch bệnh.
Ngược lại, tôi nghĩ nước Mỹ làm quá tệ trong vấn đề khẩu trang, vì người Mỹ từng may mắn vượt qua nhiều dịch bệnh mà không cần nó. Chính sách và văn hóa không khẩu trang đã có ở đây rất lâu. CDC đã thật sự tin rằng khẩu trang không có tác dụng giảm lây nhiễm cộng đồng. Trong đại dịch H1N1 vào năm 2009, nước Mỹ vẫn kiên định và khá thành công với chính sách này. Người Mỹ không biết rằng họ đã gặp may. Trong mục "ta may mắn như thế nào", họ đã không viết gì về khẩu trang, để rồi bây giờ phải trả giá vì đã để sót điểm yếu này.
Nói như vậy không có nghĩa là phương Đông, hay Việt Nam, đã thắng còn Mỹ thì thua trong cuộc chiến về quan điểm với khẩu trang. Tất cả chúng ta đều chưa thắng trước Covid-19. Khủng hoảng y tế chưa qua, khủng hoảng kinh tế đã đến. Bây giờ không phải là lúc hỉ hả ai đúng ai sai, mà là lúc nghĩ về việc mỗi quốc gia có thể làm gì để hợp tác với nhau cùng vượt qua đại nạn này.
Mỹ và Châu Âu đang chật vật với Covid-19 một phần vì không có đủ khẩu trang và thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế. Đã có tin tức (dù tôi chưa kiểm chứng hết) về việc các quốc gia tranh giành nguồn hàng này. Các bang ở Mỹ đã phải đấu giá với nhau để giành mua từng chiếc khẩu trang. Giữa lúc cuộc chiến khẩu trang đang làm sứt mẻ mối quan hệ giữa các cộng đồng, tôi tin rằng khẩu trang là một cứu cánh. Là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chiến lược để trở thành nhà sản xuất, cung cấp khẩu trang lớn trên thế giới.
Đương nhiên trước tiên Việt Nam phải đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu trong nước đã, nhưng tôi đang nghĩ đến một chiến dịch xuất khẩu và ngoại giao "khẩu trang made in Vietnam". Một chiếc khẩu trang người Việt Nam trao tặng hay xuất khẩu tới người dân hay bệnh viện ở New York, Paris, London hay San Francisco hôm nay sẽ đem lại nhiều lợi ích lâu dài. Chúng vừa là món quà có nghĩa, nguồn thu ngoại tệ, vừa có thể trở thành nhà viện trợ cho các nước phương Tây. Kể cả khi không lợi lộc gì nhiều, ta cũng nên làm vì tình người với nhau trong hoạn nạn.
Dương Ngọc Thái