
Cảnh sát được triển khai giám sát hoạt động của tài xế xe ôm ở đường Soi Udomsuk, Bangkok, Thái Lan ngày 20/6. Ảnh: Guardian.
9 sĩ quan cảnh sát sáng 20/6 được triển khai trên phố Soi Udomsuk, bên hông một khu chợ ở phía đông trung tâm thủ đô Bangkok, Thái Lan, để đề phòng các vụ ẩu đả có thể xảy ra giữa các nhóm xe ôm. Các cảnh sát chăm chú theo dõi từng tài xế xe ôm, sẵn sàng ứng phó nếu có bất cứ rắc rối nào xảy ra.
Động thái diễn ra sau một cuộc cãi cọ dẫn đến bạo lực đổ máu hôm 15/6 giữa hai nhóm xe ôm đều đã đăng ký kinh doanh với Sở Giao thông Đường bộ Bangkok (DLT). Các tài xế dùng dao, gậy và cả súng tấn công nhau, khiến Weerawat Phuengkhut, 20 tuổi, tài xế chuyên giao hàng và lái xe ôm Watcharin Ngamchalao, 33 tuổi, bị bắn chết.
Cảnh sát nói rằng đó là "trận chiến xe ôm" đẫm máu nhất mà họ từng thấy ở thủ đô Thái Lan, đồng thời thừa nhận từ khi có các ứng dụng xe ôm công nghệ, những vụ bạo lực giữa các tài xế cũng tăng lên.
Boonmee Chaleamboon, 49 tuổi, một lái xe ôm chứng kiến "trận chiến" hôm 15/6 cho biết hai nhóm xe ôm đã tranh giành địa bàn với nhau suốt một thời gian dài. "Tôi chỉ nghĩ đó là một cuộc đánh lộn bình thường. Rồi tôi nghe thấy tiếng súng nổ", Chaleamboon nói. Tài xế xe ôm 49 tuổi cho hay anh đã quá quen với cảnh "đánh lộn bình thường" như thế suốt 20 năm làm nghề này. Công việc đem lại cho Chaleamboon thu nhập trung bình khoảng 600 baht (19,46 USD) một ngày.
Rất nhiều người trong số 8,3 triệu dân số ở Bangkok chọn lái xe ôm để kiếm sống. Tính đến tháng 5 năm nay, có 104.134 người đăng ký lái xe ôm chở khách trong thành phố, hoạt động tại gần 6.000 điểm đón. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xe ôm công nghệ ở thành phố vốn nổi tiếng kẹt xe, cuộc cạnh tranh giữa các tài xế ngày một căng thẳng.
Cạnh tranh và cả bạo lực giữa các tài xế xe ôm tăng lên ở Bangkok kể từ tháng 10/2017, khi ứng dụng gọi xe Grab ra mắt ở Thái Lan. Ứng dụng ra đời năm 2012 ở Malaysia, sử dụng các lao động địa phương và nhận chở khách với giá ưu đãi, chỉ khoảng 40 baht (1,3 USD) cho một quãng di chuyển ngắn, đôi khi chỉ bằng một nửa so với xe ôm truyền thống.
Nhiều tài xế xe ôm truyền thống đã đăng ký kinh doanh với DLT tỏ ra bất bình khi thấy các tài xế xe ôm Grab hoạt động theo kiểu "bất hợp pháp" bằng phương tiện cá nhân. Tuy tài xế Grab không tham gia vào cuộc ẩu đả chết người hôm 15/6, những tin tức về các cuộc xô xát giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Thái Lan.

Tài xế xe ôm Grab Poynthep Chatchawalamonkul. Ảnh: Guardian.
Hồi tháng ba, một tài xế Grab bị thương nặng ở vai khi tranh cãi về "địa bàn hoạt động" với xe ôm truyền thống. Tháng này, một tài xế khác bị đấm vào mặt. "Có những cuộc tấn công không được đưa lên mặt báo", Poynthep Chatchawalamonkul, một tài xế Grab 42 tuổi, nói. Chatchawalamonkul còn là "admin" một nhóm Facebook của các tài xế công nghệ, nơi họ chia sẻ thông tin các vụ ẩu đả với các tài xế truyền thống và lời khuyên để tránh trở thành nạn nhân, chẳng hạn như di chuyển theo đường tắt.
Trên màn hình điện thoại của mình, Chatchawalamonkul chỉ vào các khu vực màu đỏ đánh dấu các địa điểm tập trung các tài xế xe ôm truyền thống "ưa bạo lực". Chatchawalamonkul kể sáng sớm 20/6, anh đã giải cứu một đồng nghiệp Grab, khi anh này bị một tài xế truyền thống cáo buộc có hành vi "cướp khách".
Sau vụ một tài xế Grab bị đấm vào mặt tháng này, cảnh sát trưởng Bangkok Chakthip Chaijinda tuyên bố sẽ ngăn chặn các vụ tấn công tương tự và tăng cường kiểm tra vũ khí tại các trạm kiểm soát đường bộ. Các tài xế công nghệ hy vọng bạo lực sẽ giảm bớt khi Grab thúc đẩy hợp tác với DLT để hợp pháp hóa dịch vụ gọi xe này.

Các tài xế xe ôm chờ khách tại một điểm đón ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Guardian.
Tài xế Chaleamboon cho biết trong giới xe ôm truyền thống tồn tại cái gọi là "tâm lý băng đảng", với một tài xế được xem như những "ông trùm" không chính thức, trong vai trò là người điều hành các địa điểm đón khách tốt nhất, thậm chí yêu cầu các tài xế nộp thêm phí "chỗ đứng" ngoài phí quy định của thành phố. Chính khoản phí này khiến nhiều lái xe ôm truyền thống nhất quyết bảo vệ "địa bàn" của bọn họ, mà trên thực tế không có ràng buộc nào về mặt pháp lý.
Sau vụ bạo lực chết người hôm 15/6, cảnh sát Bangkok đã giải tỏa điểm đón khách ở phố Soi Udomsuk, đem lại bầu không khí bình yên cho nơi này. Nhưng ở những điểm đón khác, nguy cơ các cuộc tranh cãi, giành giật khách vẫn tiềm ẩn. Chaleamboon nói anh không muốn tham gia vào các cuộc tranh giành đó, bởi nó chẳng khác nào "mafia".
Mai Lâm (Theo Guardian)