Người vợ là tiếp viên hàng không, chồng làm nhân viên công ty. Họ kết hôn năm 2009, có một con trai và sống tại TP HCM. Cuộc sống hạnh phúc chỉ kéo dài được vài năm thì xảy ra mâu thuẫn do hai bên thường xuyên bất đồng quan điểm.
Chị cho rằng chồng hay nói lời lẽ xúc phạm, bạo hành, dạy con hay quát mắng làm cháu hoảng sợ. Còn anh nói nguyên nhân do vợ không có trách nhiệm chăm lo xây dựng hạnh phúc, cách sống của chị không phải mực với gia đình chồng và hỗn với mẹ anh. Do không còn tình cảm, chị nộp đơn xin ly hôn và anh đồng ý.
Năm 2012, TAND quận Gò Vấp chấp nhận cho hai vợ chồng thuận tình ly hôn, giao con trai cho người vợ chăm sóc đến tuổi trưởng thành. Anh có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi tháng 1,6 triệu đồng.
Không đồng ý, người chồng kháng cáo yêu cầu được nuôi con, không cần vợ cũ cấp dưỡng. Tuy nhiên, nguyện vọng của anh không được tòa cấp trên chấp nhận. Bởi, thời điểm xem xét đơn ly hôn, đứa trẻ chưa đủ 3 tuổi, việc giao cháu cho mẹ chăm sóc là có căn cứ. Anh không có chứng cứ nào cho thấy chị không đảm bảo điều kiện chăm sóc, ảnh hưởng tới quyền lợi của trẻ.
Hơn một năm sau, người chồng làm đơn kiện, cho là vợ cũ gây khó khăn khi anh đến thăm và đón con về. Công việc của vợ thường xuyên đi làm xa, giờ làm không ổn định. Vợ không trực tiếp chăm sóc con mà giao cho người lạ trông coi, không cho con đi học mẫu giáo. Nay cháu đã lên lớp một nhưng anh không được biết con trai ở đâu, học trường nào.
Bản tự khai dài nhiều trang của người vợ gửi tòa phủ nhận những điều chồng cũ nói. Chị trình bày, trong thời gian sống và làm việc tại TP HCM, chị vẫn cho anh đến thăm con vào thời gian hợp lý. Thời gian chị luân chuyển công tác ra Hà Nội, chị cũng cung cấp địa chỉ và số liên lạc của người thân để anh thăm con nhưng người chồng không đến. Anh đã không làm tròn trách nhiệm cấp dưỡng.
Dù là tiếp viên hàng không nhưng được cơ quan hỗ trợ, chị chỉ làm việc những chuyến bay nội địa hoặc quốc tế ngắn, về trong ngày, nên có đủ thời gian chăm sóc và dạy dỗ con. Ngoài ra, chị còn có mẹ nuôi, người giúp việc hỗ trợ. Chị cũng gửi tòa giấy xác nhận của cơ quan và trường học để chứng minh mình vẫn đảm bảo đủ điều kiện chăm con.
Hồi tháng 7, TAND quận Tân Bình mở phiên xử xem xét yêu cầu của người chồng. HĐXX xác định, trong quá trình hòa giải và đối chất hai bên, người vợ cho rằng anh không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì không được yêu cầu thăm nuôi con. Khi nào anh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thì chị sẽ cung cấp địa chỉ chỗ ở của con để anh thăm nuôi.
"Điều này cho thấy người vợ đã không tạo điều kiện để nguyên đơn thăm con. Cản trở quyền và nghĩa vụ của người cha với con, vi phạm quyền chăm sóc, thăm nuôi con chung sau ly hôn của nguyên đơn", tòa nhận định.
Theo HĐXX, đứa trẻ đã 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp một, cần chỗ ở ổn định và người trực tiếp chăm sóc, giáo dục, đảm bảo việc học. Người mẹ là tiếp viên hàng không, thường xuyên bay, chỗ ở không ổn định ảnh hưởng đến việc học của trẻ. Trong khi anh làm công việc giờ hành chính, thời gian điều kiện chăm sóc con tốt hơn. Từ đó tòa chấp nhận yêu cầu của người chồng, buộc chị giao con cho anh chăm sóc. Quyết định này bị chị kháng cáo.
Có mặt tại phiên phúc thẩm mới đây, nữ tiếp viên hàng không trông khá điềm tĩnh. Tóc mái bới cao khoe gương mặt thanh thoát, giọng điềm tĩnh, chị trình bày việc không cho chồng cũ biết nơi ở mới là để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh sống của hai mẹ con.
"Ông ấy thuê người theo dõi và đã hai lần định hành hung tôi. Vì an toàn của hai mẹ con, tôi phải chuyển từ Gò Vấp lên nhà mẹ nuôi ở quận 3 và chuyển luôn trường học cho cháu. Sau này, mẹ con tôi ở với người chú ở chung cư của Bộ Công an. Ông ấy nói tôi không cho thăm con, nhưng ông ấy có gọi điện hỏi tôi đâu mà biết", chị lý giải.
Chồng cũ của chị nói: "Cô ấy thường xuyên thay đổi chỗ ở, lúc thì TP HCM khi ở Hà Nội. Cô ấy bảo cho con ở cùng với người thân nhưng ba năm chung sống tôi không biết mẹ nuôi hay người chú của cô ấy là ai. Việc cô ta giao con cho người lạ chăm sóc khiến tôi không thể yên tâm".
Về việc vợ cũ chỉ bay những chặng nội địa nên vẫn có điều kiện chăm sóc và dạy dỗ con, anh cho là "không phải lúc nào cũng có thời gian cố định". "Những lúc bị trễ giờ, trễ chuyến làm sao có thể đưa đón con", anh nêu vấn đề và tha thiết mong tòa giao con cho mình.
Còn chị vẫn cương quyết: "Hiện, con tôi bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển. Là mẹ, tôi muốn trực tiếp chăm sóc con".
Sau khi xem xét các chứng cứ và trình bày của các bên, HĐXX đồng ý với quan điểm của tòa sơ thẩm, bác yêu cầu kháng cáo của chị. Tòa buộc nữ tiếp viên hàng không giao con cho chồng cũ nuôi dưỡng, anh không yêu cầu cấp dưỡng nên tòa ghi nhận.
"Từ nhỏ đến giờ cháu sống cùng tôi, tôi đã hi sinh rất nhiều trong công việc để đảm bảo điều kiện chăm sóc cháu tốt nhất. Nhiều lần nói chuyện, tôi cũng thăm dò, con đều nói muốn sống cùng mẹ", giọng chị lạc hẳn sau phiên xử.
Bình Nguyên