Tivi Plasma 50 inch của Samsung. |
Các nhà sản xuất màn hình cỡ lớn trên 40 inch công nghệ LCD hay Plasma đều không ngần ngại tung ra các sản phẩm kích thước ngày càng lớn nhưng giá thành ngày càng hạ, thu hút và lôi kéo nhiều người tiêu dùng dần rời xa loại hình tivi CRT vừa nhỏ vừa cồng kềnh.
Theo các nhà phân tích thị trường, các đại gia điện tử gia dụng như Sony và LG đều chấp nhận thua lỗ chỉ để đạt mục tiêu giành được thị phần. "Trên tất cả, giá thành sẽ là nhân tố quan trọng nhất quyết định ai là người thắng cuộc trong trận chiến giữa hai công nghệ chế tạo màn hình plat-panel cỡ lớn. Hầu hết người tiêu dùng không hài lòng với mức giá trên dưới 5.000 USD cho một chiếc tivi bất kể là công nghệ LCD hay Plasma. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là công nghệ nào đưa ra được giá thấp hơn và hạ giá nhanh hơn sẽ giành được cảm tình của khách hàng và chiếm lĩnh thị trường", Kazuya Yamamoto, nhà phân tích thị trường của UFJ Tsubasa Securities, nhận định.
Thực tế cho thấy, trong năm qua, giá thành của các tivi thuộc cả hai công nghệ này đều giảm đi rõ rệt. Một chiếc tivi Plasma 42", sẵn sàng HDTV, màn ảnh rộng và có thể thu được tín hiệu truyền hình quảng bá trên toàn cầu chỉ có giá chừng 4.000 USD; trong khi giá một màn hình LCD kích thước tương tự khoảng 5.000 USD, Samsung và LG cho biết. Một tivi Plasma 42" bình thường ít được áp dụng công nghệ cao giờ chỉ khoảng 2.000 USD.
Tivi CRT vẫn chiếm hơn 90% doanh thu tivi toàn cầu. Khi các sản phẩm tivi LCD cỡ nhỏ không ngừng giảm giá, thị phần của CRT chắc chắn sẽ giảm xuống để nhường lại cho LCD, và trong năm tới CRT sẽ chỉ còn 81% thị phần. Đây thực sự là một cuộc chiến làm thâm hụt ngân sách của các nhà sản xuất.
Giá màn hình LCD đã giảm đi gần 1/3 vào năm ngoái và vẫn còn cao hơn gấp đôi giá của các tivi CRT cỡ tương đương. Các nhà phân tích cho biết giá của một tivi LCD 32 inch đã giảm 40% và giờ chỉ xấp xỉ 1.430 USD và trở nên hấp dẫn hơn với người tiêu dùng. Trong cuộc đua tranh về lợi nhuận giá của các loại hình tivi LCD, các màn hình cỡ nhỏ, đặc biệt là các model 17 inch có giá vài trăm USD, sẽ được điều chỉnh lại giá bán trong quý II tới.
Các tivi LCD có tuổi thọ dài hơn nhưng không sáng bằng tivi Plasma; trong khi đó các tivi plasma tiêu tốn năng lượng và cũng ồn hơn vì các quạt làm mát nhưng lại cho góc nhìn rộng hơn so với LCD.
Trong tầm màn hình cỡ vừa và lớn, Plasma đang là tâm điểm bởi giá thành hấp dẫn so với các công nghệ chế tạo tivi khác hiện nay; tuy nhiên phe ủng hộ LCD hiện đang rót rất nhiều vốn để cải tiến, nâng kích thước, hạ giá thành cho nên cục diện này trong tương lai gần có thể thay đổi.
"Chúng tôi đang cố gắng để giá của màn hình LCD theo sát Plasma ở tầm 40 inch trong năm 2007 và 2008. Chúng ta sẽ được chứng kiến một cuộc chiến về giá đầy kịch tính giữa hai công nghệ flat-panel này trong năm tới. Điều quan trọng là, các nhà sản xuất màn hình Plasma sẽ phải giảm giá như thế nào để cạnh tranh được với LCD", Michael Min, chuyên gia của Dongwon Securities, Seoul, nhận định.
Hãng nghiên cứu thị trường DisplaySearch cho rằng năm 2008, công nghệ Plasma sẽ chiếm lĩnh 73% thị phần tivi phẳng cỡ lớn ở tầm 40 inch trở lên. Hiện tại 5 đại gia điện tử gia dụng: LG, Samsung SDI, Panasonic (Matsushita) và Pioneer đang đặt cược vào công nghệ này.
"Chúng tôi hy vọng sẽ kéo giá thành của các sản phẩm Plasma sản xuất hàng loạt xuống 20% nhờ ứng dụng một công nghệ mới có tên gọi 'single scanning' cho phép giảm thiểu số chip điều khiển hình ảnh hiển thị trên màn hình xuống còn một nửa", G.W. Kim, một người phát ngôn của LG cho biết.
Các nhà sản xuất màn hình LCD dự kiến đầu tư hơn 51 tỷ USD vào các nhà máy chế tạo kéo dài sang cả thập kỷ tới, điều này sẽ là động lực thúc đẩy tốc độ giảm giá nhanh chóng hơn cho loại màn hình này.
Ngoài 2 màn hình kỷ lục PDP 102" và LCD 82" ra mắt đầu năm, Samsung lại vừa gây ấn tượng với màn hình mẫu OLED 40" dày chưa đầy 3 cm. |
"Gần như tất cả các nhà sản xuất màn hình tầm cỡ ở Đài Loan đều lựa chọn LCD bởi họ cho rằng tivi LCD sẽ là trào lưu chính trong tương lai ở tầm kích thước nhỏ hơn 40 inch", Ben Lee, người đứng đầu công ty nghiên cứu thị trường Nomura International ở Đài Loan, cho biết.
Trong thị trường LCD, Đài Loan hiện là đối thủ đáng gờm của Hàn Quốc. Hai công ty sản xuất màn hình của Đài Loan, hãng AU Optronics và Chi Mei Optoelectronics, đang dự kiến lập các nhà máy mới.
Liên doanh LG.Philips, nhà sản xuất màn hình LCD lớn thứ 2 thế giới đã khánh thành một nhà máy với tổng số vốn đầu tư 5,3 tỷ USD trong tháng 11 vừa qua để xây dựng một dây chuyền cải tiến nhằm sản xuất các sản phẩm trọng điểm trong nửa đầu năm 2006.
Samsung liên tục đưa ra các sản phẩm kỷ lục, đặt mục tiêu sản xuất các màn hình cao cấp lên hàng đầu cùng sự hậu thuẫn của một công ty liên doanh với Sony; trong khi đó Sharp dự kiến sẽ đầu tư gần 1,5 tỷ USD để mở một nhà máy mới trong năm tới.
T.B. (theo Reuters)