Hạnh phúc vì có cháu đích tôn, bà Thoa nhận việc chăm sóc cháu trai ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Bà tuyên bố: “Cứ đẻ ra đi rồi bà lo tất, bà muốn cho ăn gì, làm gì là phải theo” khiến chị Giang cảm thấy mình bị bà “cướp mất” vai trò làm mẹ. Mọi ăn uống, sinh hoạt của chị Giang được bà can thiệp gắt gao. Lúc nào bà cũng sợ chị làm gì đó ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Mâu thuẫn giữa hai người càng lên cao hơn khi bé Tôm chào đời. Mẹ chồng muốn áp dụng các kinh nghiệm nuôi trẻ của người xưa trong khi con dâu định nuôi theo những kiến thức hiện đại. Sợ cháu bị tiêu chảy khi bú mẹ, bà Thoa chỉ cho con dâu ăn cơm với rau luộc, thịt, trứng, gà, tuyệt đối không được ăn đồ tanh trong 6 tháng đầu. Chị Thoa vài lần phải trốn mẹ chồng ra ngoài ăn tôm cá. Bà thích cho cháu ở truồng thông thoáng khiến mấy gói tã quần chị mua về Tôm chưa kịp mặc đã chật.
Bà can thiệp quá sâu vào việc nuôi cháu khiến mỗi khi nghe thấy tiếng chân bà bước lên cầu thang là chị đã nghĩ tới việc bà nội vào ẵm cháu. Dù đang vui vẻ, tâm trạng chị đã chuyển ngay sang nặng nề. Chỉ cần Tôm ngã hay có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe như ho, muỗi đốt là chị Giang bị bà mắng đoảng, không biết thương con… Vài ba lần không chịu nổi, chị cãi lại mẹ chồng, bà bực mình đuổi vợ chồng chị ra ở riêng.
Không chỉ bức xúc với bà nội, nhiều bà mẹ trẻ cũng ức chế với cả bà ngoại trong việc chăm sóc cháu. Biết mẹ bảo thủ và lạc hậu, trước khi nhờ bà chăm con, chị Linh (Long Biên, Hà Nội) đã thống nhất với mẹ vài điều khoản để bé Mít phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, khi chị đi làm, bà vẫn tự chăm sóc cháu theo cách của mình. Chị hướng dẫn bà cách pha sữa bột đúng công thức nhưng bà vẫn tự đong sữa và nước theo ý mình, bà thường pha loãng hơn vì sợ ngọt quá, "đến người lớn còn không uống được nữa là trẻ con". Trước khi đi làm, chị sơ chế thức ăn, để riêng cháo trắng và rau, thịt, dặn bà cho cháu ăn theo kiểu người Nhật. Chị vừa đi, bà đem trộn tất cả vào.
Nhiều điều khó chịu nhưng chị không dám phản ứng mạnh với mẹ vì mẹ gia trưởng lại bị huyết áp cao, chị sợ nếu bà tức lên sẽ bị tăng huyết áp. Bây giờ bé Mít gần 2 tuổi nhưng chỉ nặng 10 kg, hay ốm, đi chưa vững, nói bập bẹ vài từ, chị dự định cho con đi học sớm để được các cô nuôi dạy sẽ tốt hơn bà.
Thực tế nuôi trẻ khi sống chung với người lớn tuổi là câu chuyện không hề đơn giản. Trong buổi sinh hoạt mới đây của Hội quán Các bà mẹ tại TP HCM, gần một nửa số mẹ kể chuyện có vướng mắc trong nuôi dạy con khi ở chung với ông bà. Có mẹ muốn cho 6 tháng tuổi ăn thức ăn thô (luộc nhừ) nhưng bà lại muốn cháu ăn đồ xay nhuyễn, có mẹ muốn con 6 tuổi tự làm một số việc phục vụ bản thân nhưng bà nội lại thích làm hộ cháu, vẫn đút cho cháu ăn, tắm gội cho cháu…
Bác sĩ nhi khoa Đỗ Hồng Ngọc, nguyên giám đốc Trung tâm truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TP HCM nhận xét, đôi khi nỗi khổ của bà mẹ trẻ hiện nay chính là có quá nhiều kiến thức về nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, việc áp dụng cần phải theo thực tế của Việt Nam. Một người mẹ Việt Nam vừa chăm con vừa đi làm, sống trong khí hậu nhiệt đới sẽ phải khác bà mẹ Tây, được nghỉ ba năm thai sản, sống trong không khí ôn đới.
Ông chia các phong tục về nuôi dạy trẻ của thế hệ trước ra ba loại: 1. Tốt, 2. Xấu và 3. Không tốt - không xấu. Nếu là phong tục tốt thì các mẹ nên làm theo, nếu là xấu thì nên bỏ, còn loại không tốt không xấu thì cứ đối xử bình thường. Ví dụ bôi nhọ nồi, bôi son vào trán trẻ khi đi ra đường không có ích cũng không có hại, nhưng nếu để làm vui lòng ông bà thì bố mẹ cũng nên làm.
Mâu thuẫn giữa ông bà và bố mẹ cũng không hề chấm dứt kể cả khi đứa trẻ đã đi học. Chị Bích (quận Đống Đa, Hà Nội) đã nhiều lần phải bảo chồng nhắc nhở bố mẹ vì ông bà chiều cháu quá. Bé Cherry mới 8 tuổi đã nặng 40 kg, vợ chồng chị đang ép bé tập thể thao và ăn rau thay cơm để giảm cân. Thế nhưng chỉ cần nhìn cháu mếu máo kêu đói là ông bà ngay lập tức mang bánh kẹo, bim bim cho cháu ăn. Biết được bà bênh, Mít sẵn sàng ăn vạ, gào khóc khi không vừa ý với bố mẹ...
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên trường đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét, đa số các ông bà ngày nay từng trải qua một thời nghèo khó, việc chăm sóc con cái chỉ dừng ở mức đi kiếm tiền mua đồ cho con, nhắc con học hành và quát mắng khi con hư. Nếu nói về các hành động xử lý con cho khéo léo, tâm lý thì chắc chắn các ông bà không hiểu.
Ông bà thích chiều cháu để nó nói yêu ông bà. Với ông bà, cháu như hiện thân của niềm tiếc nuối tuổi thơ, tuổi trẻ. Ông bà thường thích cho các cháu thật nhiều thứ vì nghĩ như vậy là cháu sướng. Điều này cũng hợp lý nhưng sẽ là khó khăn trở ngại lớn của cha mẹ khi muốn dạy dỗ con cái.
Người già thường ghét tiếng động to. Nếu cháu khóc, ông bà rất khó chịu và chỉ muốn nhanh chóng xử lý tiếng động đó. Vì thế, nhiều khi các bố mẹ bị mắng vì đã không chiều con cái cũng là bình thường.
Tiến sĩ Hương khuyên các cha mẹ khi sống chung với ông bà, không nên yêu cầu ông bà hợp tác dạy cháu. Việc này giống như bảo ông bà là dốt và khiến ông bà nghĩ: "Nó, trứng khôn hơn vịt". Khi con ăn vạ, cần đưa con vào phòng trong đóng cửa lại và dạy dỗ lại con. Nếu nhà không có phòng riêng, cha mẹ hãy đưa con đi chỗ khác, ví dụ, góc công viên, vườn hoa… chỗ nào không có ông bà. Dù con gào thét gọi ông bà thì vẫn phải cương quyết "xử" xong mới cho con ra. Như thế, vừa không gây tiếng ồn với ông bà, vừa để con hiểu rằng cha mẹ mới là người có quyền và trách nhiệm chính trong việc nuôi dưỡng chúng.
Cha mẹ tuyệt đối không vì chuyện vị nể mà để ông bà điều khiển, làm những điều sai trái như cho con ăn quá nhiều khiến nó bị thừa cân, ấp con quá mức đến nỗi con trở nên hư hỗn và sức đề kháng kém, cho con ăn quá kiêng khem khiến con bị thiếu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cha mẹ không nên đối đáp hay cãi lại ông bà. Lẳng lặng làm theo ý mình. Nếu ông bà mắng thì im lặng trật tự nghe nhưng bỏ ngoài tai. Ông bà sẽ dần hiểu được là mình đã can thiệp quá sâu vào việc dạy dỗ con cái của con mình.
Bác sĩ Hồng Ngọc cũng đồng tình chăm sóc và nuôi dạy trẻ không phải và không nên là trách nhiệm của ông bà. Ông từng nhận được nhiều thư của các bà nội bà ngoại hỏi về việc chăm cháu, đặc biệt có những bà cảm thấy rất đau khổ khi con cái không chịu làm theo cách của mình. Ông chỉ khuyên các bà đã có công nuôi dưỡng chăm sóc các con rồi thì bây giờ nên nghỉ ngơi, để phần việc chăm cháu cho bố mẹ của chúng. "Phụ huynh lớn tuổi chỉ nên hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, giúp đỡ cho phụ huynh trẻ chứ không nên can thiệp vào việc nuôi dạy bé của bố mẹ chúng", bác sĩ khuyên.
Kim Anh