Làm việc với lãnh đạo thành phố về tình hình lập lại trật tự vỉa hè sau 5 tháng triển khai, cuối tuần qua, hầu hết chính quyền quận, huyện đều than trời kêu khó vì không thể xử lý hết. Thậm chí một số đại diện quận còn thẳng thắn nhìn nhận, thành phố đang "nói mạnh nhưng làm suông", dẹp vỉa hè trong khi chưa giải quyết tận gốc nghề nghiệp cho người dân, khiến tình trạng lấn chiếm ngày một tồi tệ hơn.
"Chính quyền đã cố gắng hết sức, nhưng không thể dẹp yên vì chưa thể bố trí nghề mới cho người bán hàng rong. Đây là một bất cập trong chính sách”, Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, quận 1, Tạ Hoài Nam thừa nhận.
Lề đường Hùng Vương - quận 6 là nơi buôn bán quần áo sida đủ loại. Ảnh: Kiên Cường |
15 năm trước, TP HCM cũng từng lên kế hoạch giải tỏa lấn chiếm lòng lề đường, song thất bại vì khó khăn trong việc hỗ trợ người nghèo chuyển nghề ổn định. Đó là lý do để nhiều chuyên gia về giao thông cho rằng, lần này thành phố đòi trả lại trật tự vỉa hè trong vòng 10 ngày là điều không tưởng.
"Kế hoạch trong 15 năm buộc hoàn tất chỉ 10 ngày như chỉ thị của UBND thành phố hồi đầu tháng 10 rõ ràng là không thể thực hiện được", đại diện Sở Giao thông công chính nhận định.
Tuy nhiên, chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân khẳng định, với một đô thị lớn thì tình trạng buôn gánh bán bưng, lấn chiếm lòng lề đường là không thể chấp nhận được. Việc các quận huyện không kiểm soát được tình hình chiếm dụng vỉa hè cũng là một điều cần phải chấn chỉnh.
Việc chấn chỉnh như thế nào, hỗ trợ cho những người lấn chiếm ra sao để họ chuyển nghề, đã được thành phố bàn giao về các quận huyện. Ông Quân cho rằng phải bàn bạc, cân nhắc tiếp tùy thực tế mỗi địa phương.
Sau 5 tháng thành phố phát động cuộc chiến đòi lại vỉa hè, theo khảo sát của VnExpress, tình trạng chiếm dụng lòng lề đường để kinh doanh đang bùng phát mạnh mẽ, nhiều tuyến đường dù lớn hay nhỏ thì vỉa hè cũng không còn chỗ cho người đi bộ.
Đường Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, vỉa hè vừa là nơi giữ xe, buôn bán giày tràn lan. Đường Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Cao Thắng... hầu như tất cả người đi bộ đều cùng cảnh ngộ phải lưu thông chung với dòng xe trên đường.
Mặt khác, gần đây khi hàng loạt tuyến đường bị rào chắn để đào xới thi công công trình, vỉa hè càng mất tác dụng. Ví dụ, trên đường Nguyễn Kiệm, một số công trình rào chắn đường để thi công lại bị chiếm dụng buôn bán. Khách bộ hành đành xuống lòng đường trong khi khu vực này thường xuyên ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng.
Trong thời điểm vật giá đắt đỏ, áp lực mưu sinh gay gắt, các chợ tạm ngày càng tràn lan, chiếm dụng vỉa hè lẫn lòng đường. Trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), Phạm Hùng ở huyện Bình Chánh, hàng loạt gánh hàng rau quả, thịt cá bày ra ngay trên vỉa hè, người bán kẻ mua hỗn loạn. Chưa kể sau những lần buôn bán tụ tập là rác thải đọng lại hôi thối, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Kiên Cường - Thiên Chương