4 chiếc trực thăng đáp xuống, hơn 100 binh sĩ, cảnh sát và sĩ quan chống bạo động nhanh chóng đổ bộ và đối mặt với sự chống đối của các "vàng tặc", nhưng nhanh chóng khống chế họ và phá hủy máy móc hạng nặng dùng trong khai thác vàng trái phép tại khu vực Triangulo del Telembi ở miền nam Colombia.
Chiến dịch là đòn giáng vào hoạt động khai thác vàng lậu, cũng là đòn tấn công các nhóm vũ trang kiếm lời từ khai thác vàng trái phép ở quốc gia đầy xung đột này.
Trong chiến dịch, các binh sĩ có nhiệm vụ phá hủy máy ủi, ngăn chặn người dân khai thác vàng, hoạt động trái phép đã cung cấp ngân sách cho phiến quân nổi dậy Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN).
Họ phát hiện 8 máy ủi được giấu trong khu rừng rậm giáp biên giới Ecuador. Các binh sĩ nhanh chóng cài thuốc nổ phá hủy toàn bộ số máy móc này.
Hoạt động khai thác vàng trái phép còn làm ô nhiễm nguồn nước vì sử dụng thủy ngân. Theo báo cáo năm 2021 của Liên Hợp Quốc, khai thác vàng trái phép đã phá hủy hơn 640 km2 rừng ở Colombia.
"Các nhóm vũ trang trái phép thu lợi từ khai thác vàng", chỉ huy đơn vị cảnh sát đặc nhiệm Hugo Nelson Gallego cho hay. Các nhóm này không sở hữu máy móc, nhưng "thu thuế" người sử dụng chúng để khai thác vàng.
Đối mặt với các binh sĩ và cảnh sát, hàng chục thanh niên, chủ yếu người da màu, đã ném đá để ngăn cản lực lượng an ninh Colombia. Cảnh sát chống bạo động đáp trả bằng hơi cay để tránh đối đầu vũ trang với dân thường, theo Gallego.
Colombia bắt đầu chiến dịch chống khai thác vàng trái phép từ năm 2012 và phá hủy hơn 800 thiết bị máy móc. Tổng thống Gustavo Petro, người nhậm chức tháng 8 năm ngoái, tuyên bố tiếp tục chiến dịch chống khai thác trái phép vàng, bạch kim, bạc và những kim loại khác chừng nào "những kẻ chủ mưu vẫn tiếp tục hủy hoại môi trường".
Nhìn từ trên không, những mảng màu nâu giữa thảm thực vật xanh là minh chứng cho sự hủy hoại môi trường mà hoạt động khai thác vàng trái phép để lại.
Các vũng nước màu xanh ngọc lam cho thấy nước nhiễm thủy ngân, hóa chất được sử dụng để tách vàng khỏi trầm tích. Tướng Javier Africano, chỉ huy chống buôn bán ma túy và các mối đe dọa xuyên quốc gia, cho hay những người khai thác vàng "đổ thẳng thủy ngân xuống sông, gây ô nhiễm toàn bộ khu vực".
Theo các nghiên cứu khoa học, thủy ngân có thể tổn thương gene và gây dị tật ở người. Sản xuất và sử dụng thủy ngân bị hạn chế ở Colombia từ năm 2018, nhưng quốc gia này là nước có mức độ ô nhiễm thủy ngân trên đầu người cao nhất thế giới.
"Để chiết xuất 1 g vàng, họ sử dụng khoảng 5 g thủy ngân", Gallego cho hay. "Chừng đó đủ để gây ô nhiễm 600.000 lít nước và mất 30 năm mới phục hồi được".
Quân đội ước tính chiến dịch Triangulo de Telembi sẽ khiến lực lượng nổi dậy thiệt hại gần 800.000 USD. Năm 2022, những chiến dịch tương tự đã khiến các nhóm này mất đi gần 14 triệu USD.
Colombia là quốc gia sản xuất cocaine lớn nhất thế giới và giới chức đang nỗ lực hết sức truy quét hoạt động này, "nhưng vàng được vận chuyển theo cách dễ dàng hơn nhiều", Carlos Romero, một binh sĩ, nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)