Hàn Quốc nằm trong 10 thị trường làm đẹp lớn nhất thế giới, ngành công nghiệp thẩm mỹ trị giá khoảng 13 tỷ USD. Theo khảo sát năm 2020 của Hiệp hội Gallup Korea, 1/3 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 đến 39 đã trải qua một số loại phẫu thuật thẩm mỹ, 66% cho biết họ dùng dao kéo để cải thiện cơ hội kết hôn.
Tại Seoul, sinh viên mới tốt nghiệp đại học được giảm giá phẫu thuật thẩm mỹ để chuẩn bị cho thị trường việc làm, do sơ yếu lý lịch ở Hàn Quốc thường yêu cầu người xin việc đính kèm một bức ảnh, cũng như cân nặng và chiều cao của họ.
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ Hàn Quốc cảm thấy điều này là quá sức chịu đựng.
Kể từ năm 2018, hàng trăm nghìn người đã lên mạng xã hội đăng ảnh cắt bỏ mái tóc dài và phá bỏ lớp trang điểm, ra đường trong bộ quần áo rộng thùng thình và đeo kính. Họ gọi phong trào của mình là "Escape the Corset" (Thoát khỏi áo ngực), gợi lại thời điểm các nhà nữ quyền phản đối cuộc thi sắc đẹp Hoa hậu Mỹ năm 1968 bằng cách vứt bỏ áo ngực và những vật dụng khác mà họ coi là biểu tượng của sự áp bức.
Elise Hu, tác giả cuốn sách "Hoàn mỹ: Bài học về ngoại hình và văn hóa từ kinh đô sắc đẹp Hàn Quốc" mô tả đây như một cuộc tổng đình công chống lại quan niệm "lao động thẩm mỹ" khi làm đẹp trở thành một nghĩa vụ mà phụ nữ Hàn Quốc buộc phải làm. Các nhà nữ quyền trẻ tuổi mà Hu đã nói chuyện cho biết họ đã chi từ 600.000 đến 900.000 won một tháng (10 đến 16 triệu đồng) cho việc chăm sóc da. Một số người phải tính toán thời gian chải chuốt bản thân mỗi ngày để sẵn sàng ra khỏi nhà.
Ở Hàn Quốc, có ngoại hình đẹp không chỉ là chăm sóc bản thân, mà còn là một nghĩa vụ. "Đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản về ngoại hình được coi là phép lịch sự tối thiểu. Phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ là làm đẹp cho bản thân, mà còn là để tôn trọng những người xung quanh", Hu giải thích.
Chính phủ cũng duy trì lối suy nghĩ này bằng cách giữ chi phí cho các sản phẩm làm đẹp ở mức thấp. Trong khi điều này có thể giúp cho một số người tự tin hơn và vượt qua ranh giới giai cấp, nó cũng có thể gây ra những hậu quả tai hại.
"Khi cơ thể của bạn có thể thay đổi và bạn có thể trông đẹp hơn, thì bạn sẽ bị phán xét nếu không làm gì để cải thiện ngoại hình. Suy nghĩ này thực sự nguy hiểm", Hu cho biết.
Hu chuyển đến sống tại Seoul vào năm 2015. Ngay lập tức, cô đã có ấn tượng mạnh bởi sự bất bình đẳng của phụ nữ tại đây, khi những người lạ liên tục nhận xét về những nốt tàn nhang trên mặt và khổ người của cô. Các tiêu chuẩn sắc đẹp của Hàn Quốc khuyến khích phụ nữ có làn da trắng, đôi mắt to, sống mũi cao, đôi chân thon, đôi môi anh đào, khuôn mặt nhỏ và thân hình tỷ lệ 9:1, nghĩa là cơ thể dài gấp 9 lần khuôn mặt.
Mặc dù mọi quốc gia đều có ý thức khác nhau về thân hình lý tưởng, nhưng những kỳ vọng của xã hội Hàn Quốc khiến hàng triệu người cố gắng để có cùng một diện mạo.
Tuy nhiên, Hu đã chứng kiến một sự thay đổi chậm rãi và ổn định, được tạo ra bởi những thay đổi trong nhận thức của xã hội. Nhiều phụ nữ Hàn Quốc đã tìm đến mạng xã hội để bày tỏ sự thất vọng và chia sẻ trải nghiệm bị bạo hành tình dục.
Dữ liệu tiêu dùng từ Bộ Kinh tế và Tài chính quốc gia cho thấy chi tiêu liên quan đến làm đẹp đã giảm đối với phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và họ cũng ít phẫu thuật thẩm mỹ hơn trong khi chi nhiều tiền hơn cho ôtô.
"Một giáo viên tiểu học kể học sinh liên tục hỏi tại sao cô không để tóc dài hay trang điểm vào buổi sáng. Cha mẹ các em đều nói cô là người lười biếng do không chăm sóc bản thân. Và đây chính là vấn đề, khi chúng ta coi ngoại hình đẹp là trách nhiệm cá nhân", Hu chia sẻ.
Cô cũng nói rằng mình vẫn sẽ tin tưởng vào những nỗ lực của phụ nữ ở Hàn Quốc và trên thế giới, của những người đang cố gắng chống lại một xã hội cho rằng ngoại hình là tất cả.
Đức Anh (Theo Insider, Guardian)