Tháng 10/2019, Guo Bing, một giáo sư luật 34 tuổi tại thành phố Hàng Châu, đã đâm đơn kiện một công viên hoang dã địa phương vì cho rằng công viên này vi phạm hợp đồng khi tự ý thay đổi hệ thống kiểm soát ra vào cửa sử dụng vân tay sang nhận dạng khuôn mặt mà không có sự đồng ý của ông.
Sau hơn một năm theo đuổi quá trình tranh tụng, ngày 20/11, tòa án thành phố Hàng Châu ra phán quyết cuối cùng, Guo đã giành chiến thắng trong phiên tòa đầu tiên thuộc loại này ở Trung Quốc. Phiên tòa của Gou diễn ra khi xu hướng sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ngày càng phổ biến ở nhiều doanh nghiệp và chính phủ.
Việc này cũng gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi vì nó động chạm tới một trong những mối quan tâm lớn nhất của xã hội Trung Quốc hiện đại - sự cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ dữ liệu mới và bảo vệ quyền riêng tư cá nhân.
Một loạt các vụ vi phạm liên quan tới dữ liệu người dùng những năm gần đây đặt ra yêu cầu cho chính phủ Trung Quốc phải nhanh chóng thông qua một luật nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của công dân. Trong bảy tháng đầu năm nay, hơn 8.000 ứng dụng và 478 công ty đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc xử phạt vì vi phạm thu thập dữ liệu trái phép.
Việc nhà nước Trung Quốc sử dụng công nghệ mới cũng được coi là một vấn đề lớn. Đầu tháng này, một số công ty điều hành Internet đã chỉ ra 35 ứng dụng di động vi phạm các quy tắc thu thập dữ liệu cá nhân, trong đó, một số ứng dụng do các chính quyền địa phương điều hành.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà lập pháp của Trung Quốc đang xem xét dự thảo luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây sẽ là luật đầu tiên ở đại lục quy định việc thu thập dữ liệu cá nhân, bao gồm hồ sơ mua sắm trực tuyến và các tính năng sinh trắc học.
Tuy nhiên, dự luật này đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa các công ty trong lĩnh vực công nghệ và quảng cáo, vốn cho rằng các quy tắc nghiêm ngặt sẽ làm tổn hại đến tăng trưởng kinh doanh. Trong khi đó, một số chuyên gia pháp lý lại bày tỏ lo ngại rằng một số điều luật còn khá mơ hồ, thiếu chi tiết cụ thể, cản trở việc áp dụng luật vào đời sống.
Deng Zhisong, đối tác cấp cao tại Văn phòng Luật Dacheng ở Bắc Kinh cho biết: "Trong tương lai, nguồn dữ liệu sẽ không chỉ là một loại tài sản mà còn là trách nhiệm trong cả khía cạnh kinh doanh và pháp lý".
Tìm kiếm sự cân bằng
Vấn đề liên quan tới dữ liệu cá nhân trong một số trường hợp hoàn toàn có thể ảnh hướng đến sự sống hoặc cái chết. Năm 2016, một học sinh trung học ở tỉnh Sơn Đông đã chết vì lên cơn đau tim sau khi bị những kẻ lừa đảo dùng thông tin cá nhân để lấy cắp 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.500 USD). Vụ việc cho thấy sự thất bại của các cơ quan quản lý giáo dục địa phương trong việc bảo vệ thông tin cá nhân và gây ra làn sóng phản đối công khai đòi chính phủ có những hành động pháp lý phù hợp.
Người dùng Internet Trung Quốc hiện nay bị vây quanh bởi khối lượng nội dung trực tuyến được cá nhân hóa cao. Một tìm kiếm ngắn về một số sản phẩm nhất định trên các trang thương mại điện tử cũng có thể dẫn đến một loạt các quảng cáo hàng hóa tương tự. Một người mua sắm trực tuyến cho biết: "Người hiểu tôi nhất không phải là tôi mà là những gã khổng lồ Internet".
Đằng sau trải nghiệm này là công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến, hiện được các công ty Internet sử dụng để tạo ra "chân dung" của từng người dùng, phục vụ cho hoạt động tiếp thị. Bằng cách thu thập lượng lớn dữ liệu, các gã khổng lồ công nghệ như Alibaba và Tencent có thể xác định chính xác người dùng và dự đoán nhu cầu của họ dựa trên chi tiêu hàng ngày, du lịch và sở thích, đồng thời sử dụng thông tin để hướng người dùng đến hàng hóa và dịch vụ mà họ có nhiều khả năng mua hơn.
Luật bảo vệ dữ liệu mới có thể thay đổi điều này bằng cách đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn về những thông tin mà công ty có thể thu thập và cách họ sử dụng thông tin đó. Theo dự thảo luật, người thu thập dữ liệu phải thông báo cho các cá nhân về mục đích thu thập dữ liệu và cách thông tin sẽ được sử dụng cũng như được sự đồng ý rõ ràng của cá nhân trước.
Các cá nhân sẽ có quyền yêu cầu các công ty chỉnh sửa hoặc xóa thông tin của mình. Cũng theo dự thảo, các tổ chức xử lý thông tin cá nhân sẽ không được phép thu thập nhiều hơn mức họ cần để hoàn thành các nhiệm vụ đã nêu hoặc từ chối cung cấp dịch vụ nếu một cá nhân từ chối đồng ý hoặc sau này yêu cầu xóa thông tin.
"Các yêu cầu như vậy là quá khắt khe đối với các doanh nghiệp thu thập dữ liệu, các quy định này khó có thể đáp ứng và sẽ làm tăng thêm chi phí tuân thủ của các công ty, làm tổn hại đến doanh thu từ quảng cáo của chúng tôi", đại diện lĩnh vực Internet Trung Quốc phát biểu tại một cuộc thảo luận về luật mới tháng 11.
Dự thảo cho phép miễn trừ các quy tắc đồng ý khi dữ liệu được ẩn danh. Tuy nhiên, các công ty Internet cho biết những thông tin loại này không giúp ích nhiều cho hoạt động tiếp thị của họ vì thông tin ẩn danh sẽ khiến các công ty không thể nhắm đúng mục tiêu người dùng.
Một chuyên gia trong ngành cho biết: "Những ngày dễ dàng thu thập lượng dữ liệu người dùng lớn đã qua rồi. Với các quy định chặt chẽ hơn, các công ty Internet ngày nay sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn đối với công nghệ phân tích dữ liệu".
Một chuyên gia trong ngành quảng cáo cho biết các quy tắc được đề xuất quá nghiêm ngặt và thiếu cụ thể. Ông nói: "Thực sự có không ít rắc rối nảy sinh trong ngành công nghiệp mới này, vì việc sử dụng dữ liệu đã thiếu các quy định trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, tôi nghĩ một quy tắc chung vẫn chưa đủ để cụ thể hóa mọi trường hợp có thể xảy ra".
Các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ dữ liệu phát triển mạnh ở Trung Quốc một phần do môi trường pháp lý tương đối lỏng lẻo. Vào năm 2019, cái gọi là "nền kinh tế mới" đã chiếm 16,3% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này.
Tiếp cận được dữ liệu là xương sống của các ngành công nghệ mới nổi, như nhận dạng khuôn mặt hay ôtô không người lái. Đây là những lĩnh vực chính mà các công ty Trung Quốc đang chạy đua để giành lợi thế cạnh tranh.
Fang Yu, chuyên gia luật tại Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, cho biết: "Người dùng muốn quyền riêng tư của họ được bảo vệ, trong khi các công ty cần lợi nhuận. Do đó, cái giá của việc bảo vệ quyền riêng tư đôi khi sẽ là một trò chơi không có người chiến thắng".
Fang cho biết dự luật nên bổ sung nhiều chi tiết cụ thể hơn về cách các quy tắc sẽ được áp dụng trong các lĩnh vực khác nhau để phục vụ các nhu cầu khác nhau.
"Các nhà phát triển xe tự hành chẳng hạn, họ cần thu thập rất nhiều dữ liệu về người đi bộ để cải thiện thuật toán. Nhưng nếu phải nhận được sự đồng ý của từng người đi bộ một, công nghệ này sẽ không thể phát triển", Fang nói.
He Yuan, một chuyên gia về pháp luật dữ liệu tại Đại học Giao thông Thượng Hải, cho biết luật pháp cần xác định rõ các quyền hợp pháp của các công ty trong việc thu thập dữ liệu để tạo khoảng trống cho các doanh nghiệp phát triển. Ông nói: "Toàn bộ nền kinh tế mới được xây dựng trên cơ sở dữ liệu, và thông tin cá nhân là phần có giá trị nhất. Dự thảo luật nhấn mạnh về bảo vệ quyền riêng tư nhưng không có đủ chi tiết về cách thông tin được bảo vệ".
Vai trò của nhà nước
Zhang Xinbao, một chuyên gia pháp lý tham gia soạn thảo luật cho biết: "Các cơ quan nhà nước đang quản lý và hoạch định chính sách nhưng đồng thời cũng thu thập một lượng lớn dữ liệu công dân. Vẫn cần phải có thêm chi tiết về các yêu cầu đối với các cơ quan chính phủ".
Một số thành viên của Ủy ban thường vụ Trung Quốc đề nghị cụ thể hóa thêm các quy tắc đối với các cơ quan chính phủ, bao gồm các yêu cầu rõ ràng hơn về phạm vi thu thập dữ liệu, các thủ tục cần tuân theo và thời gian lưu trữ dữ liệu.
Wang Xixin, giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, cho biết phần thu thập dữ liệu của nhà nước nên được mở rộng thành một chương độc lập, bao gồm các yêu cầu chi tiết hơn. Các cơ quan chính phủ cần tìm kiếm sự cân bằng giữa hiệu quả quản lý dữ liệu vì lợi ích cộng đồng và bảo vệ quyền riêng tư cá nhân.
Dự thảo luật cũng quy định việc sử dụng hệ thống giám sát và thiết bị nhận dạng cá nhân ở các khu vực công cộng. Yêu cầu dữ liệu chỉ được sử dụng cho mục đích an ninh công cộng và không được chia sẻ với các bên khác nếu không có sự đồng ý của cá nhân. Quy định này được coi là một phản ứng kịp thời trong bối cảnh công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng khắp mọi nơi.
Guo cho biết dự thảo luật này đã thể hiện "một sự cải tiến" nhưng nó cần phải đi xa hơn nữa, vì từ ngữ trong quy định vẫn khá mơ hồ và dễ dàng bị lách quá. Ông đề nghị các nhà lập pháp nên đưa ra hệ thống cấp phép và các yêu cầu chi tiết hơn về việc sử dụng nhận dạng khuôn mặt ở các địa điểm công cộng.
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc nên làm theo EU trong việc thành lập hẳn một cơ quan quản lý duy nhất để đảm nhận việc giám sát. Nhưng những người khác cho biết việc tạo ra một cơ quan quản lý thống nhất sẽ rất khó trong thực tế vì nó sẽ đòi hỏi một cuộc cải tổ lớn trong chính phủ.
Fang cho biết một cách khả thi hơn đối với Trung Quốc là thành lập một cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm trong việc thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn, đồng thời giám sát chính quyền địa phương trong việc thực thi.
Wang Rong, một chuyên gia về chính sách dữ liệu tại Viện nghiên cứu Tencent, cho biết: "Có hơn 20 cơ quan chính phủ trung ương được giao nhiệm vụ bảo vệ quyền riêng tư và mỗi cơ quan trong số đó lại có các chi nhánh địa phương đến cấp quận, huyện. Trao cho họ quyền lực thực thi pháp luật lớn sẽ tạo ra một cuộc xung đột lợi ích".
Đăng Thiên (theo Nikkei)