Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. |
Một ngày sau khi Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ có lá thư cá nhân về vấn đề bản quyền truyền hình, ngày 28/12, công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có công văn gửi sang AVG thông báo họ đã được VFF bàn giao hợp đồng về bản quyền truyền hình các giải đấu mà trước kia VFF đã ký với AVG. Đồng thời, VPF muốn thương thảo với AVG về hai nội dung: VPF muốn tách riêng hợp đồng bản quyền các giải đấu do họ tổ chức và với những hợp đồng này, VPF chỉ muốn thời hạn là ba năm, có giá trị tối thiểu là 10 tỷ đồng.
Chiều ngày 28/12, tại trụ sở của AVG, đại diện AVG và VFF đã có cuộc họp để bàn các vấn đề liên quan tới việc thực hiện hợp đồng bản quyền bóng đá. Tại đây, VFF đã đưa ra ý kiến về việc chuyển giao lại hợp đồng cho VPF về bản quyền truyền hình Ngoại hạng và hạng Nhất.
Tuy nhiên, AVG không chấp nhận việc VFF đơn phương chuyển giao hợp đồng bản quyền truyền hình Ngoại hạng và hạng Nhất lại cho VPF, không coi VPF là đối tác đàm phán.
Cuộc chiến về hợp đồng bản quyền truyền hình giữa AVG và VPF bắt đầu căng thẳng. Ảnh: VSI. |
AVG khẳng định chỉ xem xét việc thay đổi liên quan tới hợp đồng và đàm phán với VFF về việc này khi VFF cam kết và bảo đảm VFF vẫn là đơn vị nắm quyền sở hữu bản quyền truyền hình như đã được quy định trong Điều lệ của VFF và trong hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG, đồng thời VFF vẫn là đơn vị đồng chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan trong hợp đồng.
AVG yêu cầu VFF và các bên có liên quan khác (trong trường hợp này là VPF) tiếp tục thực hiện đúng theo các nội dung của hợp đồng đã ký cho tới khi có thỏa thuận khác được thống nhất giữa các bên.
"Không một bên nào có quyền hủy ngang bất kỳ nội dung nào, vì bất cứ lý do gì. Chỉ sau khi AVG và VFF cùng nhất trí bằng một thỏa thuận bằng văn bản về việc VPF tiếp nhận một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng như nội dung các yêu cầu này của AVG thì VPF mới bắt đầu được tham gia chính thức thực hiện việc đàm phán các nội dung có liên quan tới hợp đồng đã ký”, AVG nêu quan điểm.
AVG không chấp nhận tính pháp lý của công văn từ VPF, mà yêu cầu những thỏa thuận giữa VFF và VPF liên quan đến hợp đồng bản quyền truyền hình phải do VFF cung cấp.
Thông báo của AVG có ghi: “Sau khi có một thỏa thuận mới ba bên giữa AVG, VFF và VPF, Ban lãnh đạo VPF sẽ được quyền tiếp cận các nội dung của Hợp đồng đã ký giữa AVG và VFF. Nếu VFF đơn phương đàm phán, chuyển giao Hợp đồng đã ký với AVG cho VPF trước khi nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của AVG, AVG sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình”.
Với việc AVG bác công văn yêu cầu đàm phán hợp đồng truyền hình giải Ngoại hạng và hạng Nhất của VPF, cuộc đấu xung quanh bản quyền truyền hình có thể sẽ kéo dài.
Anh Dũng