Tiếng lục cục của hai chiếc valy được kéo đi nhanh như gió. Vừa run rẩy, vừa hồi hộp, câu nói "Đi nhanh lên, chị ơi!" hòa lẫn cùng tiếng bước chân chạy làm cho chó sủa vang khắp cả khu phố. Khi những tiếng ồn dần dần lắng xuống và hình dáng ngôi nhà địa ngục khuất đi bởi lớp sương dày đặc, chúng tôi mới bớt sợ vì đã hoàn thành chặng đường khó khăn nhất trong kế hoạch trở về với mái nhà xưa yêu dấu.
Sáu năm trước khi điều tồi tệ xảy ra, chị em tôi có một gia đình hạnh phúc. Dù sống trong căn nhà lá nhỏ ở thành thị nhưng chúng tôi không hề mặc cảm hay tủi thân. Thay vào đó, chị em tôi càng thấy thương cha mẹ nhiều hơn. Tuy nghèo, cha mẹ vẫn cung cấp đầy đủ cái ăn, cái mặc và học phí cho cả hai đứa. Biết được công lao cực khổ kiếm tiền và tình cảm của cha mẹ, chúng tôi càng phải nỗ lực phấn đấu hơn trong học tập. Ngoài công lao nuôi dưỡng, họ còn dùng hết tâm trí để dạy dỗ chúng tôi thành người. Mẹ bảo điều quan trọng nhất của con người là "Nghèo cho sạch, rách cho thơm". Mẹ không cho phép con cái làm bất cứ điều gì sai trái.
Một hôm, cha mẹ thông báo về việc cho chị em tôi du học sang Australia. Họ bảo dì và dượng không có con nên muốn nhận hai đứa trẻ làm con nuôi. Mọi chi phí từ việc học hành đến ăn ở đều miễn phí. Vì mong ước cha mẹ có cuộc sống tốt đẹp hơn, giảm nhiều phí chi tiêu cho hai đứa trẻ này, chị em tôi đành phải nhận lời.
Những ngày đầu sang Australia, chị em tôi hay khóc vì nhớ nhà. Nhớ lắm hình ảnh cha dạy chúng tôi chạy xe đạp, mẹ hiền thì ngồi khâu vá lại từng chiếc áo quần rách của chị em tôi. Trong chốc lát, chúng tôi lại nhớ đến lời mẹ dặn là phải cố gắng học hành cho thật giỏi. Thế nên những giọt nước mắt dần dần khô lại. Dì, dượng cũng đối xử không tệ với chúng tôi. Họ đưa chúng tôi đi nhiều nơi để tham quan và mua sắm. Vui vẻ không được bao lâu thì nỗi bất hạnh đã đến.
Khi chị tôi bước sang tuổi 18, dượng bắt đầu có những ý nghĩ xấu xa với chị tôi. Biết tôi sẽ là một trở ngại, ông lên kế hoạch đuổi tôi về Việt Nam. Đầu tiên, ông nói tôi lấy trộm tiền trong cửa hàng. Mặc dù, tôi đã giải thích sự việc với dì nhưng bà đã cố ép tội tôi. Buồn tủi, tôi đi về cùng chị trong nước mắt. Lần thứ hai, ông ta bắt tôi viết giấy cam kết nếu tôi không nhận được học bổng trong kỳ thi tú tài, tôi sẽ bị tống cổ về Việt Nam. Lúc ấy, tôi rất lo lắng. Thi đậu vào trường đại học thì dễ nhưng lấy học bổng của trường thì khó vô cùng. Tuy nhiên, tôi cũng đã có được học bổng từ trường đại học Monash và từ một trường ở thủ đô Canberra.
Suốt quãng thời gian đó, dì đã đánh đập tôi thường xuyên. Dì ra tay vào những lúc không ai để ý - trong nhà kho, khi không có sự hiện diện của chị tôi. Lúc đầu, chị tôi không tin cho lắm! Càng về sau tôi càng sợ hãi. Hai hàng nước mắt của tôi chảy hoài không dứt từ ngày này sang ngày khác. Chị tôi mắt rưng rưng ôm chầm lấy tôi khi nhìn thấy em trai khốn khổ của mình đang run rẩy, sợ sệt khi nghe tiếng bước chân dì dượng đi lên cầu thang. Đã nhiều lần, chị đã yêu cầu đưa tôi về Việt Nam nhưng tôi một mực không chịu. Lần cuối cùng chị đã chính mắt chứng kiến dì đánh đập tôi là vào đêm giao thừa. Nguyên nhân là vì tôi lỡ tay cầm chổi quét vào chân dì. Bà đã lấy đũa ném và cầm chổi quét nhà rượt đuổi tôi lên lầu mà đánh đập, chửi rủa. Không còn sự lựa chọn nào khác, chị đã lên kế hoạch cùng tôi bỏ trốn về Việt Nam.
Do thứ bảy mỗi tuần họ đều phải qua đêm tại cửa hàng nên chị đã chọn ngày đó làm ngày trốn chạy. Dù không ở nhà, họ vẫn biết được có ai đột nhập vào bởi tiếng chuông báo động đã được kết nối với điện thoại cầm tay của dượng. Vì vậy, chúng tôi chỉ có 20 phút để chạy thật xa. Khi thoát khỏi chốn địa ngục trong đêm u tối, chị em tôi mới hết sợ. Ngồi trên xe buýt, lòng tôi vẫn còn lo lo nhưng khi đến sân bay Tullamarine, mọi thứ trong tôi như tan biến. Chị em tôi vừa mừng vì sắp gặp lại cha mẹ ruột thịt của mình, vừa tủi vì phải tạm biệt tương lai phía trước.
Xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đã nghe tiếng của mẹ từ xa "Huy, Huy, mẹ ở đây nè con". Tôi loay hoay nhìn xung quanh thì mẹ đã chạy lại ôm chằm lấy tôi. Thấy khuôn mặt tiều tụy, một cái mụn nhọt to tướng trên mặt do dì không cho tắm mỗi ngày, mẹ tôi càng xót xa, đau đớn. Không cầm lòng được, mẹ nắm chặt lấy tay tôi, khóc nức nở và nói "Về thôi con, mọi thứ ổn rồi. Con đừng lo! Mẹ sẽ bảo vệ cho con". Thấy mẹ trong hoàn cảnh này, tim tôi như chết đứng, tôi không biết tại sao nhưng tôi như mất hết cảm giác.
Do quá mệt mỏi, tôi ngủ thiếp đi mà không biết ai đã đưa mình vào nhà. Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy và ngạc nhiên nhìn mọi thứ xung quanh. Không còn ngôi nhà lụp xụp, bức tường phủ đầy rêu xanh mà giờ là một ngôi nhà to có một lầu. Cha mẹ bảo khi chị em tôi đi, cha đã trúng vài tờ vé số độc đắc nên lấy tiền đó mua nhà mới. Dì dượng thường xuyên gọi điện thoại về bảo chúng tôi vẫn khỏe mạnh nên cha mẹ cũng an tâm phần nào. Ai ngờ đâu mọi thứ lại trái ngược.
Thấy tính tình tôi thay đổi bất thường, mẹ đã đưa tôi vào bệnh viện kiểm tra. Hóa ra tôi đã bị bệnh. Bác sĩ giải thích tôi mắc bệnh trầm cảm trầm trọng bởi chịu đựng nhiều uất ức, sợ hãi nên cần được điều trị trong một thời gian dài. Song song với việc điều trị, mẹ còn đưa tôi đến thẫm mỹ viện để trị mụn và chăm sóc da. Cha thì dạy tôi cách làm ăn, giao tiếp với bạn bè, tham quan các cửa hàng và công ty để học hỏi. Trong lúc đó, chị tôi đã bắt đầu đi làm. Chị giúp mẹ quản lý cửa hàng để mẹ có thời gian chăm sóc tôi. Ngày ngày, tôi đều sống trong niềm vui và hạnh phúc.
Ba năm trôi qua, bệnh tôi giờ khỏi hẳn. Khuôn mặt tôi đã lành lặn hơn xưa. Ngoài ra, tôi còn có một công việc ổn định cho riêng mình. Giờ đây, tôi mới hiểu được gia đình như một chốn thiên đường. Chỉ có cha mẹ ruột mới thật lòng quan tâm, chăm sóc cho con cái. Chỉ có chị ruột mới hy sinh đường công danh phía trước để giúp cho đứa em gặp nguy nan này. Nhờ có mọi người, tôi mới có được một mái ấm hạnh phúc như ngày hôm nay. Tôi thật lòng biết ơn về những hy sinh to lớn từ cha mẹ và người chị yêu dấu.
Từ ngày 5/11 đến 4/12, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Mái ấm trong tôi" do VnExpress và nhãn hàng Schneider Electric - Chuyên gia trong lĩnh vực quản lý năng lượng - phối hợp tổ chức.
Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 300 - 1.000 từ, chia sẻ về kỷ niệm ngọt ngào với ngôi nhà thân thương, những khoảnh khắc đáng nhớ bên gia đình hoặc ước mơ về một tổ ấm tương lai. Cuộc thi gồm một giải nhất - một iPad 3 trị giá 16 triệu đồng và 10 giải khuyến khích - mỗi giải là phiếu mua hàng siêu thị và sản phẩm Schneider Electric trị giá 2 triệu đồng. |
Huỳnh Cẩm Huy