Trước khi được giải cứu vào cuối năm 2018, Lee Yumi, một người Triều Tiên đào tẩu, có đôi mắt thâm quầng và làn da tái nhợt, thường đeo tai nghe màu đen ngồi trên giường trò chuyện với một người xa lạ trên mạng.
Trong 5 năm, cô bị giam cùng với nhiều cô gái khác trong một căn hộ chật hẹp ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. Lee mắc lừa tay môi giới. Sau khi đưa cô trốn khỏi Triều Tiên, y bán cô cho những kẻ điều hành đường dây kinh doanh tình dục qua Internet. 6 tháng một lần, chúng mới cho phép Lee rời khỏi căn hộ. Mọi nỗ lực trốn đều thất bại.
Giống Lee, hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái Triều Tiên, có những em mới 9 tuổi, đã bị bắt cóc hoặc bị buôn bán sang Trung Quốc trong ngành thương mại tình dục trị giá nhiều triệu đôla, theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhận Sáng kiến Tương lai Hàn Quốc (KFI) ở London.
Phụ nữ Triều Tiên thường bị bắt làm nô lệ trong các nhà chứa, bị bán làm cô dâu hoặc bị ép thực hiện các hành vi khiêu dâm trực tuyến tại những thành phố gần biên giới Trung Quốc và Triều Tiên. Nếu bị chính quyền phát hiện, họ phải đối mặt với việc bị trục xuất.
Tuy nhiên, Lee may mắn tìm được người giúp đỡ. Người đàn ông lạ mặt 28 tuổi đang nói chuyện với cô không phải là khách mua dâm qua mạng, mà là một mục sư người Hàn Quốc hứa sẽ giúp đỡ Lee.
"Đừng lo, chúng tôi sẽ giải cứu cô", ông nói. Lee cười và bật khóc, trước khi gõ chữ "Cảm ơn ông, tôi đang rất sợ".
Không có thống kê chính xác về con số người Triều Tiên đào tẩu, nhưng Hàn Quốc cho biết từ năm 1998, họ đã tiếp nhận hơn 32.000 người rời khỏi đất nước này. Năm ngoái, nước này tiếp nhận 1.138 trường hợp, trong đó 85% là phụ nữ.
"Phụ nữ chạy trốn dễ hơn bởi họ thường không đăng ký làm việc tại một nhà máy hay công ty nhà nước, nơi nếu vắng mặt sẽ bị báo cáo ngay lập tức", Yeo Sang Yoon, Trung tâm Dữ liệu Nhân quyền Triều Tiên, tổ chức phi chính phủ ở Seoul, cho biết. "Họ thường ở nhà làm việc gia đình nên có thể biến mất mà không gây chú ý".
Lee lớn lên trong một gia đình có bố mẹ đều là đảng viên ở Triều Tiên. "Nhà chúng tôi đủ ăn, thậm chí có gạo và lúa mì tích trữ", Lee nói. Nhưng cô luôn cảm thấy bố mẹ quá nghiêm khắc. "Tôi phải có mặt ở nhà trước khi mặt trời lặn và bố mẹ không cho tôi học y".
Một hôm, sau khi cãi nhau với bố mẹ, cô quyết định vượt biên sang Trung Quốc. Lee tìm được một tay môi giới, người hứa hẹn giúp cô vượt biên an toàn và tìm việc ở một nhà hàng.
Những cô gái như Lee thường phải trả 500-1.000 USD cho bên môi giới để vượt biên sang Trung Quốc. Họ phải băng qua sông Đồ Môn vào ban đêm, đôi khi dầm mình trong mực nước dâng ngang vai dưới tiết trời lạnh giá để vượt qua con sông ngăn cách biên giới Trung - Triều.
Tim Peters, mục sư người Mỹ, đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Helping Hands giúp người Triều Tiên đào tẩu, cho biết sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011, an ninh biên giới được thắt chặt bằng hàng rào điện và camera giám sát.
"Lực lượng biên phòng Trung Quốc cũng tăng cường tuần tra vì lo ngại dòng người tị nạn gây bất ổn", Peters cho hay.
Đặt chân lên đất Trung Quốc, Lee cùng 7 cô gái được đưa tới căn hộ trên tầng 4 một tòa nhà màu vàng ở Diên Cát, thành phố thuộc tỉnh Cát Lâm, cách Đồ Môn khoảng 50 km. Khắp Diên Cát treo đầy các biển hiệu viết bằng tiếng Hán và tiếng Triều Tiên, hàng tá nhà hàng bán bibimpap cùng kimchi phục vụ cộng đồng người Triều Tiên.
Tại đây, cô nhận ra mình đã bị lừa. Tay môi giới bán cô với giá 4.500 USD cho chủ điều hành một phòng chat sex. "Tôi cảm thấy vô cùng nhục nhã", Lee nhớ lại. "Tôi khóc, đòi bỏ đi nhưng chủ phòng chat nói đã trả rất nhiều tiền cho tay môi giới và giờ tôi phải làm việc để trả nợ".
Các tổ chức phi chính phủ ước tính 70-80% phụ nữ Triều Tiên sang Trung Quốc do bị lừa bán. Giá dao động từ 890 tới 4.500 USD tùy tuổi tác và ngoại hình. Một số bị bán làm vợ cho nông dân Trung Quốc nhưng gần đây, số phụ nữ bị bán làm chat sex ngày càng tăng.
Báo cáo của KFI cho biết thu nhập tăng ở những thành phố phía bắc Trung Quốc khiến nhu cầu gái mại dâm tăng. Ở miền nam Trung Quốc, phụ nữ thường bị lừa bán từ các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, còn ở miền bắc là phụ nữ Triều Tiên.
Trong căn hộ hai phòng ngủ mà Lee bị giam còn có hai phụ nữ Triều Tiên khác. Một người 27 tuổi, có phòng ngủ riêng và dường như rất thân thiết với ông chủ. "Tôi nghĩ rằng cô ta muốn giám sát chúng tôi", Lee nói. Người kia là Kwang Ha-yoon, 19 tuổi, đã bị nhốt hai năm trước khi Lee tới.
"Bố mẹ chia tay khi tôi còn nhỏ. Tôi ở cùng mẹ và ông bà", Kwang nói. "Chúng tôi không bao giờ đủ ăn". Cô rời Triều Tiên với hy vọng kiếm đủ tiền gửi về gia đình bởi "cả mẹ và bà tôi đều bị ung thư, cần chữa trị".
Nhưng tất cả số tiền Kwang kiếm được đều bị ông chủ tịch thu. Lee và Kwang ngủ chung trong căn phòng chỉ có hai giường ngủ, hai cái bàn, hai cái máy tính. Ngày nào họ cũng dậy lúc 11h, ăn sáng sau đó làm việc tới rạng sáng hôm sau.
Có lúc Kwang chỉ được ngủ 4 tiếng. Nếu than phiền, họ sẽ bị đánh đập. Tuy nhiên, họ không bị ông chủ lạm dụng tình dục. Hàng ngày, họ phải đăng nhập vào một website trò chuyện trực tuyến mà nam giới ở các thành phố lớn tại Hàn Quốc trả tiền để chat sex.
"Một số người chỉ muốn nói chuyện nhưng đa số đều muốn nhiều hơn", Lee nói. "Họ sẽ yêu cầu tôi thực hiện các tư thế khiêu gợi hay cởi quần áo hoặc tự chạm vào người. Tôi phải làm mọi thứ họ yêu cầu. Tôi muốn chết hàng nghìn lần nhưng không thể tự sát vì ông chủ luôn giám sát".
Kẻ giám sát cô là một người Hàn Quốc, ngủ ở phòng khách. "Cửa trước luôn khóa ngoài, bên trong không có tay nắm", Kwang cho hay. "6 tháng một lần, ông ta sẽ đưa chúng tôi ra công viên gần nhà".
"Suốt quãng đường, ông ta luôn kè kè bên cạnh nên chúng tôi không dám nói chuyện với ai", Lee nói. Năm 2015, cô từng thử trèo cửa sổ, tụt xuống theo đường ống nước để chạy trốn nhưng bị ngã và tới giờ, lưng và chân vẫn đau.
Khi muốn các cô gái làm gì đó, ông ta sẽ nói năng ngọt ngào, hứa hẹn trả họ tiền hay để họ tự do làm việc tại Hàn Quốc. Nhưng lúc Kwang đòi một phần trong số 60 triệu won (51.000 USD) mà cô kiếm được, ông ta bắt đầu giận dữ và đấm đá, chửi mắng cô. Suốt 7 năm nhốt Kwang trong căn hộ, ông ta chưa từng đưa cô một xu.
Mùa hè năm 2018, Lee nhận ra cơ hội chạy trốn. Dù đa số khách hàng đều biết cô không phải người Hàn Quốc do cách phát âm khác nhau, nhưng họ đều ngoảnh mặt làm ngơ. Chỉ có một khách hàng nhận giúp đỡ cô.
"Ông ấy mua một cái máy tính xách tay, để tôi điều khiển màn hình từ xa vì vậy tôi có thể gửi tin nhắn mà ông chủ không chú ý", Lee nói. Người này cho cô số điện thoại một mục sư Hàn Quốc tên là Chun Ki-won.
Chun là thành viên nhóm mục sư chuyên giúp đỡ phụ nữ Triều Tiên trốn khỏi Trung Quốc. Ông cho hay tổ chức viện trợ Công giáo Durihana đã giúp đỡ hơn 1.000 người đào tẩu đến Seoul từ năm 1999. Truyền thông Hàn Quốc gọi ông là Schindler châu Á, theo tên Oskar Schindler, người đã cứu sống 1.200 người Do Thái khỏi Đức Quốc xã.
Tháng 9/2018, Lee liên lạc với mục sư Chun qua Kakao Talk, ứng dụng nhắn tin Hàn Quốc. "Xin chào, tôi muốn đến Hàn Quốc. Ông giúp tôi được không?" cô viết.
Những tuần tiếp theo, Lee kể lại chuyện vượt biên và bị lừa bán sang Trung Quốc. Ông hỏi kỹ cách bố trí của căn hộ, cũng như hành tung của ông chủ. Đến giữa tháng 10/2018, họ vạch kế hoạch đến Diên Cát giải cứu Lee và Kwang.
Ngày 26/10, khi ông chủ đi vắng, các thành viên của Durihana đã tới chân tòa nhà của Lee. Hai cô gái thắt nút khăn trải giường, thả xuống cửa sổ. Đội Durihana buộc dây thừng vào đó để Lee và Kwang kéo lên, buộc dây rồi tụt xuống đất an toàn.
Họ chỉ kịp mang theo một balo nhỏ cùng gói giấy ướt và lược, nhảy lên xe trốn đi. Cả quá trình diễn ra trong vài phút.
Các mục sư Hàn Quốc đã lập một mạng lưới các tuyến đường và nhà an toàn ở Trung Quốc để giải cứu những người như Lee. "Mỗi cá nhân chỉ biết một mạng lưới riêng, để tránh ảnh hưởng toàn bộ hoạt động nếu một người bị bắt", Tim Peters, mục sư người Mỹ đang sống ở Seoul, cho hay.
Thoát khỏi Diên Cát, Lee và Kwang đi qua nhiều vùng đất ở Trung Quốc bằng xe buýt, tàu hỏa, sử dụng hộ chiếu Hàn Quốc giả. Họ dừng chân ở Côn Minh, tây nam Trung Quốc. Từ đó, đa số người đào tẩu vượt biên trái phép qua Lào hoặc Myanmar, hướng về đại sứ quán Hàn Quốc tại những quốc gia đó hoặc sang Bangkok, Thái Lan.
Lee và Kwang được một người Trung Quốc dẫn vượt biên qua núi. "Chúng tôi đi bộ suốt 5 tiếng qua rừng, trước khi tới đường cái nơi ôtô đang chờ sẵn", Kwang nói.
Mục sư Chun gặp họ lúc nửa đêm. Kwang òa khóc khi nhìn thấy ông. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, cô mới cảm thấy an toàn. Sau hai ngày di chuyển bằng ôtô và xe buýt, họ tới thủ đô quốc gia nọ. "Chúng tôi bị cảnh sát ở những trạm kiểm soát chặn lại nhiều lần hỏi giấy tờ. Tôi đã rất sợ", Kwang nói.
Sau 50 tiếng di chuyển, cuối cùng họ cũng tới sứ quán Hàn Quốc. Trước khi kịp bấm chuông, một người đàn ông mặc áo đen mở cửa bước ra, tươi cười chào đón. Vài phút sau, Chun ra ngoài, chỉ có một mình. Đại sứ quán tiếp nhận khoảng 10 người đàu tẩu mỗi tháng và sẽ giữ họ lại để thẩm vấn trong 10 ngày. Nếu đủ điều kiện, họ sẽ được đưa sang Hàn Quốc.
Tới nơi, người đào tẩu sẽ dành ba tháng ở Hanawon, nơi sẽ dạy họ những kiến thức về cuộc hiện đại như cách đi tàu điện ngầm, cách rút tiền từ máy ATM hay mua đồ trong siêu thị. Sau đó, họ sẽ được cung cấp hộ chiếu Hàn Quốc, trợ cấp căn hộ và đăng ký học đại học miễn phí.
"Tôi muốn học tiếng Anh và tiếng Trung Quốc để trở thành giáo viên", Lee cho biết. Còn Kwang, bỏ học từ năm 12 tuổi, hy vọng sẽ tốt nghiệp đại học. "Tôi chưa từng có cơ hội suy nghĩ muốn làm gì trong đời", Kwang nói.
Hồng Hạnh (Theo CNN)