Hai tác phẩm có chung hướng khai thác: Mô tả các biến động từ quá khứ đến hiện tại, đồng thời xem xét xu hướng của năng lượng tài nguyên trong tương lai. Qua đó, người đọc hiểu về sự phân bố tài nguyên không đều ở các khu vực và tình trạng bất ổn của thế giới.
Lịch sử tranh đoạt tài nguyên thế giới mang đến bức tranh tổng thể, cho thấy quốc gia có tài nguyên dồi dào đồng nghĩa với việc nắm cán cân chính trị, có sức mạnh trên bàn đàm phán. Tình hình chung của cuộc chạy đua năng lượng tài nguyên chính là Trung Quốc đang thách thức vị thế siêu cường của Mỹ, dùng nó như một vũ khí ngoại giao.
Theo tác giả Hikaru Hiranuma, tài nguyên là mọi dạng vật chất, tri thức, thông tin được con người sử dụng để tạo ra của cải vật chất hoặc tạo ra giá trị sử dụng mới. Năng lượng tài nguyên thay đổi theo từng thời kỳ, không cố định vào một loại nào. Đồng thời, tiến trình phát triển này luôn có tác động của con người. Lịch sử biến động, tài nguyên cũng không ngừng thay đổi, từ gia vị, than đá, dầu mỏ cho đến các nguồn năng lượng mới gần đây như đất hiếm, rác thải, năng lượng tái tạo.
Để tăng cường quyền lực, các cường quốc cạnh tranh nhằm bảo vệ và sử dụng các nguồn tài nguyên, thông qua cuộc đua phát triển công nghệ. Từ đó, con người "biến những thứ chưa phải là tài nguyên trở thành tài nguyên" và thúc đẩy việc phổ cập rộng rãi nguồn năng lượng. Hiranuma đặt câu hỏi: Liệu trong tương lai, tài nguyên năng lượng thế giới sẽ ra sao, và sẽ gây ra những cuộc tranh đoạt thế nào?
Trên Goodreads, độc giả Azumi bình luận: "Cuốn sách tập trung vào những thứ con người tìm kiếm để cải thiện đời sống của họ. Điều hữu ích nhất là việc đề cập đến nền kinh tế tuần hoàn, được viết một cách đơn giản và dễ đọc".
Trong khi đó, Bản đồ tài nguyên thế giới của Masanori Tobita cho thấy các nước nhập khẩu dầu ngoài gánh nhiều rủi ro từ việc mua dầu, nay phải đối diện loạt nguy cơ tiềm ẩn khác trong vấn đề cung ứng tài nguyên khi quá trình khử carbon đang được đẩy mạnh.
Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, khi người dân bị hạn chế ra khỏi nhà do Covid-19 bùng phát, một số thông tin cho rằng biển ở Venice (Italy) sạch sẽ hơn trước và tình trạng ô nhiễm không khí ở Delhi, Ấn Độ được loại bỏ. Tin tức này được EU - nơi các quy định liên quan đến môi trường khắt khe - xem là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình khử carbon (chuyển đổi nền kinh tế từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo).
Một khi việc khử carbon lan rộng, thế giới sẽ bước vào kỷ nguyên năng lượng tái tạo và nhu cầu về nguồn tài nguyên khoáng sản như đất hiếm và kim loại hiếm - vốn được sử dụng để làm các sản phẩm phục vụ phát triển năng lượng tái tạo - sẽ tăng lên. Trung Quốc đã đi trước trong cuộc tranh giành tài nguyên này.
Tác giả cho rằng xu hướng phục hồi xanh sẽ lan rộng khắp thế giới bằng việc công bố các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc. Arab Saudi và các quốc gia Trung Đông vốn phụ thuộc vào dầu mỏ đang đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để chào đón các nhà đầu tư, còn châu Phi sẽ trở thành chiến trường tranh giành tài nguyên. Tại Mỹ, tổng thống Biden đã định hướng con đường hướng tới một xã hội khử carbon, bắt đầu bằng việc xem xét Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Hikaru Hiranuma là nghiên cứu viên tại Quỹ nghiên cứu chính sách Tokyo từ năm 2000 đến nay, đồng thời là thành viên của các tổ chức khoa học Nhật Bản, chuyên về các vấn đề cung cấp năng lượng, xúc tiến năng lượng tái tạo. Ông còn là nhà nghiên cứu, thỉnh giảng tại Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST).
Masanori Tobita, 48 tuổi, tốt nghiệp khoa Luật trường Đại học Meiji. Ông hiện là phó Trưởng ban phụ trách nội dung chuyên mục Tài chính - Thị trường của tờ Nihon Keizai Shimbun. Từ năm 2017-2020, tác giả là phóng viên thường trú của Nihon Keizai Shimbun tại Cairo (Ai Cập), phụ trách khu vực Trung Đông, châu Phi và OPEC.
Quế Chi