Chiều 7/9, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nghe lãnh đạo các bộ báo cáo tình hình thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 16.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng việc tự chủ dù có đủ văn bản, nghị định nhưng phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công. Nếu lãnh đạo có tư duy đổi mới, kết nối được với thị trường thì sản phẩm khoa học dễ có "đầu ra", hoạt động đơn vị khởi sắc. Song cũng có nhiều người muốn bám vào chế độ bao cấp, muốn nhà nước tiếp tục chi tiền từ ngân sách để hoạt động.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Mạnh Hùng cho biết, đề án tự chủ các đơn vị sự nghiệp công của ngành giáo dục có từ lâu, nhưng khó thực hiện vì từ mầm non đến đại học hầu như thuộc khu vực công lập. Bộ đang đẩy mạnh tự chủ giáo dục đại học với mục đích giảm ngân sách, cải thiện chất lượng. Hiện có 14 trường thực hiện tự chủ tài chính, chi phí, nhân sự... theo đề án thí điểm đến năm 2017. Các trường đang xin kéo dài thêm thời gian thí điểm với điều kiện là phải được tự chủ ở mức cao.
Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thông tin đang xây dựng lộ trình từ nay đến 2020 tự chủ một phần và đến 2030 thì tự chủ hoàn toàn. Trong đó, một số đơn vị sự nghiệp công ở loại hình ca múa nhạc sẽ tự chủ sớm hơn các đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống, như tuồng, chèo, cải lương.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà khẳng định việc tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công khó hơn cả đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Hà, Bộ Tài chính cần có số liệu thống kê tổng chi, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho 60.000 đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.
"Nếu hoàn toàn tự chủ được thì đây là một cuộc cách mạng, bớt được chỗ này thì có tiền để bàn đến việc tăng lương. Bởi ăn lương chủ yếu là khối đơn vị sự nghiệp chứ không phải là khối hành chính", ông Hà nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cơ chế tự chủ thể hiện ở các mặt tài chính, nhân sự, bộ máy nhưng không được ảnh hưởng đến công việc của những người đang làm và không được quay lại hưởng lương nhà nước. Theo đó, các bộ ngành cần nhanh chóng trao quyền tự chủ cả về biên chế, nhân sự, tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện thu nhập cho người lao động. Ông Huệ đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng sớm thành lập Ban soạn thảo Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công để có giải pháp đột phá trong vấn đề này.
Nghị định 16 cho phép đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, báo chí, truyền thông, khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác được tự chịu trách nhiệm về bộ máy, nhân sự, tài chính... Tiến tới xóa bỏ chính sách bao cấp qua giá trong cung cấp dịch vụ công, tạo công bằng trong phân bổ ngân sách nhà nước. |
Thái Mạc