538 đại cử tri Mỹ hôm nay sẽ họp để bỏ lá phiếu trực tiếp bầu tổng thống theo "ủy quyền" của người dân. Các đại cử tri này được hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đề cử từ trước, là những người đã cam kết trung thành với ứng viên của mình, cũng như sẽ bỏ phiếu theo kết quả phiếu phổ thông của bang.
Tất cả 50 bang Mỹ đã chứng nhận kết quả bầu cử, theo đó, Joe Biden dự kiến giành 306 phiếu đại cử tri, trong khi Tổng thống Trump giành 232 phiếu. Cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn ngày 14/12 sẽ chính thức hóa kết quả này.
Trong những năm trước, ngày bỏ phiếu của cử tri đoàn chỉ mang tính hình thức. Nhưng năm nay, quy trình này trở thành tâm điểm chú ý vì Trump từ chối nhận thua và tiếp tục đưa ra những cáo buộc về gian lận bầu cử.
Số lượng đại cử tri của mỗi bang được phân bổ dựa trên quy mô dân số của bang đó, tương ứng số đại diện họ có trong 435 ghế hạ viện và 100 ghế thượng viện. Ba đại cử tri còn lại đến từ thủ đô Washington. California là bang đông dân nhất nước Mỹ nên cũng có số lượng phiếu đại cử tri lớn nhất là 55. Một số bang khác có nhiều đại cử tri như Florida, Pensynvania, Ohio với trên 20 phiếu.
Thông thường, đại cử tri là những người cống hiến tận tụy cho đảng, có thể là các nhà hoạt động, lãnh đạo đảng, quan chức dân cử của bang và cả những người có quan hệ cá nhân hoặc chính trị với ứng viên tổng thống. Về cơ bản, các đảng chọn những người trung thành với đảng làm đại cử tri để đảm bảo họ sẽ bầu đúng theo kết quả bỏ phiếu phổ thông.
Hillary Clinton, cựu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, hôm 27/10 tiết lộ bà là một trong 29 đại cử tri của bang New York. "Tôi là một đại cử tri của New York và tôi chắc chắn sẽ bầu cho Joe Biden cùng Kamala Harris. Tôi rất háo hức được làm điều đó", bà nói.
Tại hầu hết các bang, đại cử tri bỏ phiếu theo thể thức "được ăn cả, ngã về không", tức là ứng viên nào thắng phiếu phổ thông của bang sẽ nhận được tất cả phiếu đại cử tri của bang đó.
Bang Maine và Nebraska là hai trường hợp ngoại lệ, khi phân bổ đại cử tri theo tỷ lệ: ứng viên chiến thắng toàn bang nhận được hai phiếu đại cử tri, trong khi người chiến thắng tại từng khu vực quốc hội sẽ nhận được một phiếu đại cử tri. Với thể thức này, Biden sẽ giành 3 phiếu đại cử tri của bang Maine và 1 phiếu của bang Nebraska, trong khi số phiếu đại cử tri của Trump ở hai bang lần lượt là 1 và 4.
Luật liên bang quy định đại cử tri đoàn họp vào thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư thứ hai trong tháng 12, tức ngày 14/12 năm nay. Đại cử tri đoàn không tập hợp ở một nơi, mà họp tại tòa nghị viện, văn phòng thống đốc hay tổng thư ký của từng bang.
Những bang đầu tiên bỏ phiếu đại cử tri hôm nay là Indiana, Tennessee và Vermont, vào 10h giờ miền đông Mỹ (22h giờ Hà Nội). Các bang chiến trường mà đội ngũ của Trump đang thúc đẩy thách thức pháp lý bỏ phiếu muộn hơn. Đại cử tri Arizona, Georgia và Pennsylvania dự kiến họp vào 12h, trong khi Wisconsin dự kiến bỏ phiếu lúc 13h, Michigan vào lúc 14h.
Trong hầu hết trường hợp, đại cử tri bỏ phiếu theo kết quả phiếu phổ thông của bang mình đại diện, nhưng cũng có những "đại cử tri bất tuân" không bỏ phiếu theo cam kết.
Tuy nhiên, "đại cử tri bất tuân" rất hiếm hoi trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ. Theo thống kê, đã có hơn 23.000 đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống trong lịch sử Mỹ, nhưng chỉ có 180 đại cử tri bất tuân.
Kể từ năm 1948, chỉ có 16 "đại cử tri bất tuân", dù có 7 người như vậy vào năm 2016. Vào kỳ bầu cử này, đảng Dân chủ có 5 đại cử tri bất tuân, trong khi đảng Cộng hòa có hai.
32 bang và thủ đô Washington ban hành luật để đảm bảo đại cử tri bỏ phiếu đúng theo kết quả phiếu phổ thông. 15 bang quy định hình phạt cho những đại cử tri không làm vậy. Tòa án Tối cao Mỹ hồi tháng 7 ra phán quyết cho phép các bang trừng phạt đại cử tri bất tuân.
Sau khi hoàn tất bỏ phiếu, các bang sẽ gửi phiếu bầu đến Washington, nơi chúng được kiểm đếm trong phiên họp quốc hội ngày 6/1. Chủ tịch Thượng viện, tức Phó Tổng thống Mike Pence, sau đó sẽ chính thức công bố người chiến thắng.
Về mặt lý thuyết, quốc hội có thể chặn kiểm phiếu đại cử tri ngày 6/1, nhưng thực tế, điều này khó khả thi. Theo luật năm 1887, một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ có thể cùng nhau đệ trình văn bản để phản đối việc kiểm phiếu của một bang. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mo Brooks của bang Alabama đã thông báo ý định làm vậy, dù chưa thượng nghị sĩ nào cho biết sẽ tham gia cùng ông.
Nếu Brooks tìm được đối tác, cuộc kiểm phiếu sẽ dừng lại, Thượng viện và Hạ viện sẽ tranh luận riêng về kiến nghị này trong tối đa hai giờ. Sau đó, Hạ viện và Thượng viện sẽ bỏ phiếu riêng rẽ về việc có chấp nhận kiến nghị phản đối kết quả bỏ phiếu của đại cử tri hay không.
"Cả hai viện đều phải đồng ý phản đối trong hai cuộc bỏ phiếu riêng rẽ, nếu không, phản đối sẽ thất bại", Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội cho biết. Vì đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, khả năng kịch bản này xảy ra gần như bằng 0.
Trong lịch sử bầu cử Mỹ, chỉ hai lần phản đối được đưa ra từ năm 1887, một lần vào năm 1969, do có một đại cử tri bất tuân, và một lần vào năm 2005, về những bất thường trong bỏ phiếu ở Ohio. Cả hai nỗ lực đều không thành công.
Trong khi Tổng thống Trump khẳng định có gian lận trong bầu cử, ông đã tuyên bố hồi cuối tháng 11 rằng sẽ rời Nhà Trắng vào tháng một nếu thua trong cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
"Chắc chắn tôi sẽ làm vậy". Tuy nhiên, nếu cử tri đoàn bỏ phiếu cho Biden, "họ đã mắc sai lầm", Trump nói thêm.
Phương Vũ (Theo AP/NBC)