Để điều hành đường dây đánh bạc qua mạng xuyên quốc gia, bị can Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC online) đã xây dựng hai cổng game điện tử là Rikvip và Tip.club.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển các trò chơi trực tuyến, Phan Sào Nam đã ký hợp đồng cung cấp phần mềm và bản quyền game điện tử Rikvip, Tip.club cho Nguyễn Văn Dương.
Hai cổng game này đi vào hoạt động từ năm 2014. Dương và công ty CNC đảm nhiệm khâu vận hành, quản lý toàn bộ doanh thu từ việc chơi game qua mạng. Số tiền thu được từ hoạt động này được chia theo nguyên tắc: Nam 60%, Dương 40%.
Tuổi trẻ đưa tin, Dương và ông Nguyễn Thanh Hoá (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát Công nghệ cao, Bộ Công an) có thỏa thuận rằng ông Hóa sẽ được chia 20% doanh thu từ game. Tuy nhiên, Dương khai chưa chia lợi nhuận cho ông Hóa.
Ông Hóa trong ngày 11/3 đã bị khởi tố, bắt giam với tội danh Tổ chức đánh bạc. Ông với vai trò là người đứng đầu Cục phòng chống tội phạm Công nghệ cao, bị cáo buộc đã không ngăn chặn, thậm chí còn là đồng phạm của Dương và Nam.
Rikvip là trò chơi đánh bài phát hành trên kho ứng dụng Google Play (Android), App Store (iOS) hay Microsoft Store (Windows Phone) từ năm 2015 và website tại địa chỉ Rikvip.com. Tuy nhiên, các thông tin về tên miền và nhà phát hành của game này đều được ẩn danh. Giữa năm 2017, Rikvip bị "sập" và gỡ khỏi các kho ứng dụng, hàng loạt game giả mạo "mọc lên như nấm" với các tên tương tự, như "Rik Vip TipClup", "Tip.Club", "Rikvipcom.vn"...
Khi truy cập, người chơi sẽ tạo tài khoản và có thể tham gia các hình thức đánh bài, như tiến lên miền Bắc, tiến lên miền Nam, phỏm, chắn, tài xỉu, poker... giống như chơi bài ngoài đời thực.
Ban đầu, người chơi mới thường được tặng những khoản tiền ảo nhất định nhằm thu hút. Tuy nhiên, khi hết tiền ảo, người chơi muốn tiếp tục thì phải nạp thêm bằng cách đổi thẻ cào điện thoại, thẻ nạp game trực tuyến, tin nhắn SMS hay thông qua chuyển khoản ngân hàng...
Luật pháp quy định về chơi đỏ đen trên mạng như thế nào?
Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty Luật Trương Anh Tú) phân tích, đánh bạc online được xem là việc sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử của tổ chức đánh bạc. Hình thức này bị nghiêm cấm bởi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và nhiều văn bản pháp luật khác.
Ngoài ra, điều 3 thông tư 24/2014 của Bộ Thông tin Truyền thông đã cấm "lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác". "Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo".
Từ tháng 4/2016, Bộ Thông tin Truyền thông không có chủ trương cấp phép cho các game mô phỏng đánh bài, các trò chơi sử dụng lá bài, mô phỏng trò chơi trong các sòng bạc.
Theo luật sư, trên thực tế, khi tham gia vào các trò chơi game mô phỏng đánh bạc này, người chơi thường phải nạp tiền thật vào để tham gia, điều này đồng nghĩa với việc "chơi ảo nhưng mất tiền thật".
"Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử. Như vậy, việc nạp tiền thật để chơi các trò đánh bạc online này cũng là hoạt động bị cấm theo quy định của Thông tư 24", luật sư Tú phân tích.
Đường dây đánh bạc qua mạng với quy mô hàng nghìn tỷ đồng do Công an Phú Thọ điều tra hiện đã khởi tố hơn 70 người, trong đó có ông Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương... Nhà chức trách thu trên 1.000 tỷ đồng, tạm giữ, kê biên 20 căn hộ và 13 ôtô các loại; phong tỏa tài khoản ngân hàng với hơn 380 tỷ đồng và nhiều sổ tiết kiệm. Số ngoại tệ dùng đánh bạc chuyển ra nước ngoài ước chừng hơn 3,6 triệu USD. |