Thị trấn nhỏ Attica ở ngoại ô New York ngày nay có thể trông thật cổ kính và trầm mặc, nhưng từng là "cái tên khét tiếng" vào năm 1971, khi bạo động trong nhà tù Attica bùng nổ trở thành cuộc nổi dậy trong tù gây nhiều tổn thất trong lịch sử nước Mỹ. Đây cũng là sự kiện nổi tiếng nhất và quan trọng nhất của phong trào đấu tranh vì quyền của tù nhân.
Cuộc nổi dậy kéo dài 4 ngày bắt đầu vào ngày 9/9/1971, một nửa số tù nhân của Attica cầm vũ khí. Vào thời điểm đó, những lời kêu gọi cải thiện điều kiện sống của họ không được hồi đáp trong nhiều tháng. 1.281 tù nhân đã bắt 39 lính canh làm con tin với hy vọng đàm phán với các chính trị gia của bang.
Lúc đầu, các nhà chức trách có vẻ sẵn sàng hợp tác. Nhưng khi các cuộc đàm phán bị đình trệ, cảnh sát mở cuộc đột kích vào 13/9. Hôm đó, một chiếc trực thăng thả hơi cay từ trên không trung xuống, trong khi cảnh sát bang ập vào sân nhà tù và bắn 3.000 viên đạn. 10 con tin và 29 tù nhân đã chết. Khi cuộc nổi dậy chính thức kết thúc, 43 người chết.
Cuộc nổi loạn lịch sử diễn ra trong bối cảnh, khắp nước Mỹ ngày càng nhiều hoạt động của tù nhân đòi được đối xử tốt hơn. Một năm trước đó, một cuộc nổi dậy đã xảy ra nhà tù Manhattan. Các tù nhân đã giam giữ 5 lính canh làm con tin trong 8 giờ, đến khi các quan chức bang đồng ý nghe ý kiến của các tù nhân.
Bất chấp lời hứa đó, các quan chức không có chính sách gì cải tiến mà chuyển những kẻ cầm đầu đến Attica biệt giam. Attica khi đó giam giữ khoảng 2.200 tù nhân. Điều này dẫn đến tình trạng chật chội quá tải và thiếu đồ ăn thức uống, nhu yếu phẩm. Nhiều tù nhân chỉ được phát một cuộn giấy vệ sinh mỗi tháng và tắm một lần mỗi tuần.
Các tài liệu nhà tù sau này thể hiện: "Các tù nhân ở trong phòng giam từ 14 đến 16 giờ mỗi ngày, sách báo, tài liệu đọc của họ bị hạn chế, việc thăm gia đình của họ chế, phân biệt chủng tộc ở mọi nơi".
Tháng 7/1971, một nhóm tù nhân Attica trình bày một danh sách gồm 27 yêu cầu liên quan việc cải thiện các điều kiện ở Attica cho Thống đốc bang. Nhà chức trách đã không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào của các tù nhân này. Thay vào đó, giám đốc nhà tù phản ứng bằng cách giảm giờ giải trí, tăng giờ lao động, giảm nhu yếu phẩm và lương thực của các tù nhân.
Cùng thời điểm này, một tù nhân hoạt động tích cực trong phong trào này bị lính canh bắn chết trong nỗ lực vượt ngục bất thành. Một ngày sau cái chết của anh ta, hơn 700 tù nhân Attica đã tuyệt thực.
Bạo loạn nổ ra sáng 9/9/1971, nhân cuộc ẩu đả vặt giữa hai tù nhân khiến ban quản lý nhà tù quyết định biệt giam họ. Nhiều tù nhân la hét và cho rằng hình phạt đó không cần thiết song lính canh im lặng rời đi. Mọi chuyện tưởng như dừng lại, nhưng ngay sau bữa sáng, họ được dẫn giải ra khu giải trí và nhận ra toàn bộ cửa bị khoá.
Một số tù nhân tấn công các cai ngục bằng bất cứ thứ gì có trong tay, những người khác cố gắng chạy trốn. Sự hỗn loạn lan sang các phòng giam nhân khác gần đó. Đám đông đốt phá nhà nguyện của nhà tù và chiếm lấy ba dãy phòng giam.
Đến trưa cùng ngày, lính canh và cảnh sát đã kiểm soát khoảng một nửa nhà tù. Nửa còn lại, gồm 1.281 tù nhân của Attica đang kiểm soát một phần sân chung, hai đường hầm và phòng điều khiển trung tâm của nhà tù, được gọi là "Quảng trường Thời đại". Các tù nhân bắt 42 sĩ quan và nhân viên dân sự làm con tin.
Với tiêu đề Tuyên ngôn về nhu cầu của phe giải phóng Attica, các tù nhân liệt kê 33 yêu cầu, bao gồm điều trị y tế tốt hơn, nhiều quyền tự do tôn giáo hơn, "chấm dứt lạm dụng thể chất vì những nhu cầu cơ bản" như tắm hàng ngày, được cung cấp bàn chải đánh răng và hơn một cuộn giấy vệ sinh hàng tháng".
Năm tù nhân được bầu để nắm quyền đàm phán đã kêu gọi các cá nhân có ảnh hưởng bên ngoài hỗ trợ (gồm luật sư William Kunstler, biên tập viên của New York Times và một số nhà lãnh đạo tôn giáo. Những người trên hầu hết đồng ý gặp các tù nhân.
Nhà chức trách New York cuối cùng chỉ đồng ý với 28 trong 33 yêu cầu trên. Song tình hình phức tạp hơn khi Thống đốc bang Nelson Rockefeller từ chối đến nhà tù hoặc gặp gỡ các tù nhân. Các cuộc đàm phán đổ vỡ, chính quyền tỏ rõ thái độ không muốn hoặc không thể nhượng bộ thêm.
Đêm 12/9, Thống đốc quyết định rằng cần phải có hành động cứng rắn để kiểm soát lại nhà tù. Trong khi đó, để đối phó, các tù nhân đã đào chiến hào, chuẩn bị các trận địa thô sơ từ bàn kim loại và bụi bẩn, đồng thời củng cố trung tâm chỉ huy "Quảng trường Thời đại".
8h25' sáng 13/9, ban giám đốc nhà tù gửi "tối hậu thư" cho các tù nhân bằng văn bản, yêu cầu đầu hàng hoàn toàn. Quân đội Cảnh sát Tiểu bang và Vệ binh Quốc gia xếp hàng bên ngoài cổng trong khi các tù nhân vẫn hì hục đào chiến hào. Máy bay trực thăng sớm xuất hiện lúc 9h46' và thả hơi cay tràn vào sân tù.
Hàng trăm binh sĩ cảnh sát Tiểu bang, lính canh Attica, cảnh sát liên bang phá cửa xông vào . Hàng nghìn viên đạn được bắn vào sân. 10 con tin bị bắn chết và 29 tù nhân cùng 89 người khác bị thương.
Nhà chức trách ban đầu nói tất cả 10 con tin bị giết bởi các tù nhân, nhưng kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, đạn đến từ súng đặc dụng của cảnh sát liên bang.
Ủy ban đặc biệt bang New York sau này viết về Attica, miêu tả là "cuộc chạm trán đẫm máu nhất trong một ngày, giữa người Mỹ với nhau, kể từ sau Nội chiến".
Sau "sự kiện Attica", các cuộc biểu tình và bạo loạn đã xảy ra trong các nhà tù trên khắp nước Mỹ. Nhiều cuộc mít tinh ủng hộ các tù nhân đã nổ ra, đặc biệt là ở New York, Los Angeles và Norman, Oklahoma. Các nhà hoạt động xã hội và các nghệ sĩ, tiêu biểu là John Lennon đã viết các tác phẩm lên án chế độ khắc nghiệt tại cơ sở giam giữ.
Nó cũng tạo ra một cuộc điều tra của Quốc hội và một vụ kiện tập thể trị giá 2,8 tỷ USD đại diện cho các tù nhân có liên quan và hành hạ tại Attica, dai dẳng gần 50 năm. Năm 2000 và 2005, cuối cùng, chính quyền bang đồng ý chi trả 8 triệu USD cho 502 tù nhân tham gia cuộc nổi dậy và 12 triệu USD cho những lính canh bị bắt làm con tin và thân nhân những lính canh bị bắn chết.
Uỷ ban ân xá New York đã thực hiện các thay đổi trong tù bao gồm, cung cấp thêm vòi hoa sen, xà phòng, chăm sóc y tế và tăng thời gian thăm, tăng cường đối thoại công khai giữa tù nhân và cán bộ trại giam; cung cấp dịch vụ luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho tù nhân, tạo điều kiện cho họ học đại học trong tù và cho phép các tù nhân tự do tôn giáo.
Hàng chục bộ phim, sách và bài hát đã được ra đời từ "sự kiện Attica". Ngày 9/9/2021, kỷ niệm 50 năm cuộc nổi dậy, bộ phim tài liệu Attica được công chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Toronto.
Hải Thư (Theo ATI)