Các doanh nghiệp viễn thông cho biết đã trình phương án tăng cước đối với dịch vụ 3G lên Bộ Thông tin và Truyền thông để chờ xét duyệt. "Bây giờ chỉ đợi quyết định của Bộ xem có cần điều chỉnh hay không", một nhà mạng cho hay. Đại diện một đơn vị cho biết: "Giá và lộ trình thực hiện ra sao đến nay vẫn chưa có phương án chỉ đạo cuối cùng. Chúng tôi từng nộp đề xuất một lần nhưng Bộ yêu cầu chỉnh sửa và trình lại". Theo doanh nghiệp, hiện nay dịch vụ 2G đang phải bù lỗ cho 3G và Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia có cước rẻ nhất thế giới.
Trước đó, từ cuối năm 2012, nhiều nhà mạng cho biết doanh thu đang bị đe dọa bởi các phần mềm nhắn tin - gọi điện miễn phí trên Internet (OTT), dẫn tới nhu cầu tăng cước 3G để bảo toàn lợi nhuận. Ngoài ra, các hãng kinh doanh viễn thông cũng nêu lý do dịch vụ đang được bán dưới giá thành, không đảm bảo nguồn thu để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng chất lượng để lý giải đề xuất tăng giá.
Trong buổi hội đàm về OTT hồi đầu tháng 9, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cũng lưu ý lý do doanh nghiệp tăng giá không liên quan tới OTT. "Có thể ví mạng 3G là một con đường mới xây, lúc đầu ít người qua lại thì đường rộng, có thể miễn phí hoặc lấy phí thấp. Nay đông người đi thì phải nâng phí cao hơn để đảm bảo có kinh phí tái đầu tư", Thứ trưởng chia sẻ.
Câu chuyện tăng giá bắt đầu nóng hơn từ tháng 7 với sự tham gia của cả 3 mạng lớn là Viettel, Mobifone và Vinaphone. Hiện các đơn vị đều từ chối đưa chi tiết về thời gian cũng như các mức giá đề xuất mới cho dịch vụ của mình.
Thống kê sơ bộ của các nhà mạng cho thấy giá 3G đang bán ra chỉ bằng 35 - 68% giá thành của dịch vụ. Như vậy, để bán đúng giá thì doanh nghiệp phải nâng với mức trung bình là 100%, ngang bằng với các nước thuộc khối ASEAN. Tuy nhiên Cục Viễn thông khẳng định việc này phải thực hiện theo lộ trình chứ không thể tăng đột biến nhằm tránh gây xáo trộn cho khách hàng. Theo đó, các mạng di động sẽ phải rà soát lại gói cước 3G của mình theo tiêu chí vừa đảm bảo kinh doanh hiệu quả, vừa chia sẻ với khách hàng trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Cục cho biết hiện tại vẫn chưa có văn bản quyết định chính thức về việc tăng giá hay tăng bao nhiêu. Đại diện một mạng lớn tiết lộ không phải gói cước 3G nào cũng tăng, thậm chí có gói giảm giá. "Các mạng sẽ có lựa chọn mang tính phổ cập với giá rẻ, chỉ từ 10.000 đồng mỗi tháng cho người mới dùng 3G hoặc thuê bao ở vùng nông thôn, người có nhu cầu sử dụng ít", vị này cho hay.
Thông tin doanh nghiệp chuẩn bị tăng giá 3G nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía khách hàng, trong đó đa phần là không đồng tình hoặc cho rằng giá không đi kèm với chất lượng. Nhiều thuê bao đồng tình chấm điểm kém cho 3G tại Việt Nam hiện nay, cho rằng không nên so sánh giá trong nước với quốc tế mà quên đi việc "cân đo" về dịch vụ. "Cước 3G công nhận rẻ, nhưng đúng nghĩa tiền nào của nấy", một thuê bao tên Thành chia sẻ. Không ít người cho hay sẵn sàng hủy dịch vụ nếu tăng giá mà chất lượng không được cải thiện.
Theo Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 4 nhà mạng cung cấp dịch vụ kết nối Internet băng rộng qua 3G là Viettel (chiếm 34,73% thị phần), Mobifone (33,19%), Vinaphone (29,71%) và Vietnamobile (2,36%), duy nhất có Gmobile chỉ cung cấp mạng 2G (chiếm 3,93% thị phần dịch vụ), còn S-Fone đến nay xem như không còn hoạt động. Cả nước có hơn 131 triệu thuê bao di động (tính hết 2012, con số ước tính hiện tại khoảng 140 triệu) nhưng chỉ có 15,7 triệu người dùng 3G có phát sinh cước thường xuyên, mang về doanh thu khoảng 10% toàn dịch vụ di động cho nhà mạng.
Anh Quân