Thường người ta quan niệm, chuyện chợ búa, cơm nước, nội trợ, trông nom nuôi dạy con cái là công việc của phụ nữ. Và thực tế, hầu hết chị em là người đảm nhiệm mọi công việc nội trợ trong gia đình như thức sớm hoặc ngủ muộn để giặt đồ, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con đi học sáng - chiều, dạy con học… Nhưng đối với gia đình tôi thì khác, những việc đó đều được chia sẻ. Đặc biệt, việc chợ búa, cơm nước, nội trợ hoàn toàn do chồng đảm nhận. Anh cũng làm rất tốt, hiệu quả và thoải mái mà không có sự mâu thuẫn hay phàn nàn khó chịu của cả hai.
Nói như vậy nhưng không phải ngay từ khi lấy nhau anh đã đảm nhận công việc đó. Nó cũng xuất phát từ đặc thù công việc của hai vợ chồng. Anh là công nhân làm ca, thời gian nghỉ ngơi ban ngày của anh tương đối thoải mái. Tôi là cán bộ công chức, ngày làm 8 giờ công sở, ngoài ra cũng hay phải làm thêm giờ, thời gian dành cho gia đình rất hạn chế.
Khi sinh cháu gái đầu lòng, ở xa nội ngoại, mặt khác do chưa có nhà riêng, gia đình tôi ở tập thể nên gặp muôn vàn khó khăn. Vợ chồng trẻ, con nhỏ, công việc bận rộn, chưa sự có thông cảm và chia sẻ giúp đỡ nhau trong công việc gia đình. Ban đầu, anh coi mọi việc gia đình là của vợ. Mặt khác, sự hiểu biết các kiến thức xã hội chưa sâu sắc nên hiện tượng “cơm không lành, canh không ngọt” thường xuyên xảy ra, mâu thuẫn nhiều khi tưởng không hòa giải nổi.
Một bước ngoặt lớn đến với gia đình đó là tôi được cơ quan cử đi học 4 năm tại Hà Nội. Quá trình trở thành người đàn ông đảm đang của anh bắt đầu từ đó. Trước kia anh coi tất cả công việc gia đình là của vợ từ nội trợ đến giặt giũ, dọn dẹp trong nhà, chở con đi học, dạy con học... Còn người chồng chỉ đi làm, thời gian rảnh rỗi thì đi chơi, tán gẫu với mấy anh em cơ quan hay hàng xóm.
4 năm tôi đi học là quãng thời gian thử thách của gia đình, nhưng nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ của ông bà hai bên và đặc biệt là chồng, mọi thứ đều tốt đẹp. Anh tự ý thức được trách nhiệm của người chồng, người cha. Khi thiếu vắng bàn tay phụ nữ, anh làm rất tốt công việc chăm sóc con cùng ông bà.
Sau khi đi học về, tôi tiếp tục được bổ nhiệm làm lãnh đạo, công việc nhiều hơn. Tuy nhiên, do được tiếp xúc với nhiều chương trình tuyên truyền bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin, nên anh hiểu và chia sẻ với vợ nhiều. Mỗi khi về nhà thấy vợ nấu ăn, anh cũng phụ tiếp, không còn phân biệt công việc nặng nhẹ. Hai vợ chồng vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ.
Sau đó, do công việc của vợ bận rộn suốt ngày, thi thoảng lại đi công tác dài ngày, con còn nhỏ nên anh thay tôi chợ búa, chăm sóc cháu. Đặc biệt, nhờ chồng cùng phụ nên tôi có thời gian rảnh rỗi hơn. Hai vợ chồng thường tâm sự mọi chuyện, khoảng cách không còn. Cũng nhờ anh sắp xếp công việc nhà khéo léo nên cả hai vợ chồng đều có thời gian tham gia công tác xã hội bên ngoài, tập luyện thể thao rèn luyện sức khỏe.
Quan trọng hơn là tôi có thời gian dành cho công việc. Anh không hề tỏ ra e ngại, nề hà, hay sợ mọi người cười vì làm giúp vợ công việc chợ búa bếp núc. Đến nay, không ai còn lạ với hình ảnh anh phóng xe đi chợ mua thức ăn, rồi tay dao tay thớt chế biến. Nhờ có anh, con cái luôn khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Với chồng tôi, điều quan trọng nhất là làm thế nào để vợ chồng cảm thấy được vui vẻ và có thời gian trao đổi, bàn bạc công việc trong gia đình, chăm sóc, dạy dỗ con tốt hơn.
Từ ngày 5/11 đến 4/12, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi viết "Mái ấm trong tôi" do VnExpress và nhãn hàng Schneider Electric - Chuyên gia trong lĩnh vực quản lý năng lượng - phối hợp tổ chức.
Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 300 - 1.000 từ, chia sẻ về kỷ niệm ngọt ngào với ngôi nhà thân thương, những khoảnh khắc đáng nhớ bên gia đình hoặc ước mơ về một tổ ấm tương lai. Cuộc thi gồm một giải nhất - một iPad 3 trị giá 16 triệu đồng và 10 giải khuyến khích - mỗi giải là phiếu mua hàng siêu thị và sản phẩm Schneider Electric trị giá 2 triệu đồng. |
Lê Giang Vân