Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị, hiện đã xuất viện. Đây là một trong ba ca bệnh mắc uốn ván chỉ vì chủ quan với những vết xước nhỏ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, thông tin hôm 21/8.
Hai trường hợp khác đều là nam, va phải cạnh bê tông cứng dưới ruộng bùn và dẫm phải đinh sắt. Họ đều có biểu hiện cứng hàm, mỏi miệng, nuốt sặc, được chẩn đoán mắc uốn ván, phải nhập viện điều trị.
Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã ghi nhận 18 trường hợp mắc uốn ván, trong đó có 2 ca tử vong, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022.
Uốn ván là bệnh cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Dấu hiệu bệnh là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là cứng cơ nhai, mặt, gáy và sau đó là cơ thân.
Thời gian ủ bệnh thường 3-21 ngày, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí vết thương. Hầu hết trường hợp xuất hiện trong vòng 14 ngày kể từ khi nhiễm vi khuẩn uốn ván. Vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn, mức độ cũng nặng hơn.
Uốn ván là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài, có thể vài tuần đến vài tháng, chi phí rất tốn kém. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân nguy cơ cao tử vong do suy hô hấp, ngừng tim đột ngột, nhiễm trùng toàn thân, xuất huyết.
Người dân có thể mắc bệnh chỉ qua một vết xước hay vết thương nhỏ trên da trong quá trình sinh hoạt, lao động. Nhiều người chủ quan với những vết thương nhỏ, không sơ cứu, không tiêm phòng, tạo điều kiện cho trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm trùng, đe dọa tính mạng.
Giải pháp tốt nhất để phòng uốn ván là tiêm vaccine uốn ván. Người lớn chỉ cần tiêm 3 mũi, sau đó tiêm nhắc lại trong 5-10 năm.
Lê Nga