Khu phế tích lộ diện tại quảng trường La Mã. |
Nay các nhà khảo cổ tin rằng họ đã tìm ra bằng chứng cho thấy ít nhất khoảng thời gian trong truyền thuyết đó là đúng: Dấu vết của một cung điện hoàng gia mới được phát hiện ở quảng trường La Mã được xác định là có niên đại trùng với thời điểm hình thành nên thành phố bất tử.
Andrea Carandini, giáo sư khảo cổ tại Đại học Sapienza, đã thực hiện các cuộc khai quật tại quảng trường trong hơn 20 năm. Ông cho biết đã tìm thấy công trình vào tháng trước tại điểm mà ngôi đền Romulus đứng ngày nay. Nó nằm bên cạnh Điện thờ Vesta - nữ thần gia đình - bên ngoài thành Palatine, nơi có dấu vết đầu tiên về nền văn minh ở thành Rome.
Tại nơi mà trước kia các nhà khảo cổ chỉ tìm thấy các ngôi nhà lụp xụp có từ thế kỷ 8 trước Công nguyên, Carandini và nhóm của mình đã khai quật được dấu vết của một công trình nguy nga tráng lệ: một cung điện rộng 344 m2, diện tích sử dụng là 105 m2, còn lại là sân. Tại đó còn có một chiếc cổng thành, các đồ vật trang trí tinh xảo và nhiều đồ gốm.
Tường nhà được làm bằng gỗ và đất sét, sàn bằng gỗ bào và đất nén. Các nhà khảo cổ đã xét nghiệm đất sét và tìm ra tuổi của công trình. Theo Carandini, công trình có không gian rất rộng lớn, trước đó chưa từng thấy. "Đó chỉ có thể là một cung điện hoàng gia", ông nói.
Ông cũng bổ sung rằng vào thời đó, một nơi ở trung bình chỉ to bằng 1/10 khu vực này. Ông cũng tìm thấy một căn nhà có thể là nơi các trinh nữ thắp ngọn lửa thiêng.
Eugenio La Rocca, người trông nom các công trình tại thành Rome, nhận xét lời lý giải của Carandini là chính xác.
"Tôi cho rằng những gì Carandini tìm thấy được từ cuộc khai quật là rất hợp lý", La Rocca nói. "Bất cứ ai tạo ra truyền thuyết này đều biết rằng đằng sau nó là một nền móng lịch sử. Nó không nhất thiết có nghĩa rằng câu chuyện của Romulus và Remus đã xảy ra đúng như vậy, nhưng có nghĩa rằng những ký ức được truyền lại qua các tác giả Latin không chỉ là một giả thuyết".
Theo truyền thuyết về thành Rome, vị vua Numitor đã bị người em trai của mình đoạt ngôi và cô con gái của ông là Rhea Silvia bị buộc trở thành trinh nữ để không thể sinh con. Nhưng Rhea Silvia lại mang thai với con của thần Mars. Khi cặp trẻ bị phát hiện, công chúa bị giam vào tù còn lũ trẻ thì bị bỏ trong giỏ trôi trên dòng sông Tiber. May mắn là 2 anh em đã cập bờ sống sót và được một con sói cái cho bú cho đến khi chúng được một người chăn cừu cưu mang.
Khi biết được câu chuyện quá khứ của mình, 2 anh em đã giết kẻ chiếm ngôi Amulus, khôi phục lại ngôi vị cho Numitor và trở lại nơi được con sói nuôi dưỡng để xây dựng một thành phố.
Hình ảnh 2 đứa trẻ trần truồng ngửa mặt bú sữa từ một con sói cái đã trở thành chủ đề xuyên suốt trong nghệ thuật La Mã, và các bức điêu khắc minh họa truyền thuyết này đều xuất hiện tại các bảo tàng trong khu vực.
Minh Thi (theo AP)