Cuộc đời vất vả
Cha tôi sinh ra trong một gia đình có tới 10 anh chị em, sau khi đi bộ đội về lập gia đình riêng, ông ở nhà đền đáp ơn sinh thành của ông bà nội. Các cụ xưa nói không sai "giàu con út, khó con út", số phận của cha lại nghiêng về cái khó ấy vì các bác đi thoát ly hết.
Trong thời bao cấp, lao động hợp tác xã, sống bằng tem phiếu, ruộng đất cấp theo khẩu, nhà bao nhiêu khẩu phải làm bấy nhiêu, không được trả cho hợp tác xã như giai đoạn sau, con cái thì gối đầu nhau ra đời. Gánh nặng cơm áo đưa một quân nhân xuất sắc phục viên trở về một người nông dân thực thụ, năm 2 mùa vụ bán mặt cho đất bán lưng cho trời, ấy vậy mà cái nghèo vẫn đeo bám.
Bốn đứa con lần lượt ra đời, thóc lúa đầy nhà nhưng ra giêng là thiếu đói, vì đầu năm học phải bán tháo, bán đổ với giá rẻ để "mua con chữ", gánh giấc mơ đổi đời cho con. Thấm thoắt, lần lượt từng đứa bước vào đại học, đứa trước chưa kịp ra trường đứa sau lại nhập trường. Gần 15 năm, 4 đứa con ngồi trên giảng đường đại học là từng ấy thời gian cha mẹ làm đủ nghề để có được số tiền ít ỏi gửi cho các con hàng tháng. Bàn tay, gót chân chai sạn đến mức phải dùng dao gọt bớt cho dễ đi, dễ cầm nắm.
Cha làm nghề thợ xây, sức yếu đi nhiều nên phải nghỉ một thời gian dài, vì thế phải vay khoản dành cho sinh viên nghèo để có tiền nuôi con ăn học. Mãi tới 5 năm, sau khi đứa út ra trường mới trả hết khoản nợ đó. Những tưởng "nhọc nhằn từ nay thưa vắng", cho phép mình nghỉ ngơi thì bất ngờ phát hiện ung thư - bệnh mà thiên hạ hay gọi là bệnh hiểm nghèo, tiền đâu mà chạy chữa, con cái đứa mới lập gia đình, đứa còn chưa yên bề gia thất, cả bầu trời như sụp đổ trong ngày định mệnh đó.
Gian nan tìm bệnh
Thời ấy, những người đàn ông ở quê tôi thường có thú vui là nước chè, thuốc lào, cha tôi cũng không ngoại lệ, các con khuyên bỏ nhưng ông không nghe. Chỉ đến khi có bệnh, nghĩ tới các con, cha bỏ thuốc được hơn một năm, sau đó hút lại và mức độ bệnh nặng hơn, thường xuyên bị ho. Khi đó, người ở quê tôi mới bệnh thì tìm đến thuốc nam, thuốc dân gian, nặng hơn thì ra nhà thuốc kể bệnh, lấy dăm ba liều, hết triệu chứng thì thôi, đến khi thập tử nhất sinh mới đến Bệnh viện.
Năm 2017, cha ho dai dẳng không dứt, khám tại Bệnh viện tuyến huyện, năm lần bảy lượt bác sĩ kết luận ông bị "viêm phế quản". Sau xin chuyển lên tuyến tỉnh - Bệnh viện chuyên về phổi, cũng khám lâm sàng qua loa và kết quả vẫn như tuyến huyện. Gia đình nóng ruột, xin chụp CT nhưng bệnh viện không có, phải qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chụp, chỉ còn một ngày nữa là được xuất viện thì nhận được kết quả chụp: "U phổi, nghi giai đoạn 4".
Ngày nhận được kết quả, cha gần như khủng hoảng và không nhận cuộc gọi của bất kỳ ai, sau đó thì tắt máy. Các con đều công tác xa, mọi liên lạc đều qua mẹ và họ hàng, mẹ lại là người cả đời chưa đi đâu ra khỏi lũy tre làng, lên tỉnh cũng cần có người đưa. Bởi vậy chị em tôi bàn bạc cử đứa gần nhất về lo thủ tục chuyển lên tuyến Trung ương, còn lại luân phiên nghỉ phép về chăm sóc cha sau.
Cha vẫn không nói gì, mọi chuyện ở nhà khá rối bời, vì tình làng nghĩa xóm mọi người đến thăm ông, nhưng lời ra tiếng vào khiến cha càng lo lắng và mệt mỏi hơn. Gia đình muốn đưa cha đi Hà Nội chữa nhưng cha không muốn vì sợ lỡ như không có cơ hội trở về nhà nữa. Sau đó, khi được các con giải tỏa tâm lý, cha đã đồng ý đi khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Tại Bệnh viện, tiến hành thủ tục nhập viện, làm các xét nghiệm, chụp chiếu có liên quan, vị trí khối u của cha nằm ở điểm carina, bởi vậy không thể thực hiện chọc sinh thiết vì sợ không cầm được máu. Nhận kết quả: "Ung thư phổi giai đoạn 4" từ bác sĩ, gia đình tôi được tư vấn các phương pháp điều trị, tiên lượng sống của cha khoảng 6 tháng chưa tính đến khả năng không đáp ứng thuốc, nếu không đáp ứng sức khỏe sẽ giảm sút rất nhanh.
Em tôi là người đưa cha đi khám, em đã không nén được lòng mà cứ thế nghẹn ngào khóc khi gọi điện cho tôi, nhưng tôi dặn phải bình tĩnh sẽ có cách giải quyết. Sau khi tham khảo nhiều ý kiến chuyên khoa và gia đình bàn bạc, chúng tôi quyết định điều trị với suy nghĩ còn nước còn tát, hy vọng cha sẽ đáp ứng thuốc với liệu trình là 12 mũi hóa, 10 mũi xạ.
Đồng hành và vượt qua
Tâm trạng của cha ban đầu rất chán nản, mất niềm tin, than thân trách phận và cáu gắt. Nhưng chị em tôi luôn đồng hành, động viên, giải thích và quan tâm chăm sóc cha, đặc biệt là tìm những bài viết tích cực về ung thư cho cha đọc, để ông hiểu rằng ung thư không phải là chết, là hết.
Qua những đợt điều trị hóa chất, mật độ thuốc vào cơ thể liên tục, tóc cha bắt đầu rụng, người hao gầy đi trông thấy và bắt đầu có triệu chứng nôn ói, miệng phồng rộp không ăn được. Những lúc ấy, khi đến chăm sóc cha, tôi thường lén khóc một mình không để cha thấy, chỉ cầu mong cha mau khỏi bệnh và khỏe mạnh sống cùng con cháu.
Cha xuất thân là một quân nhân làm nghề nông, cái nghèo đeo bám lâu năm nên khi nằm viện vẫn luôn tiếc tiền mua đồ ăn, tiếc tiền viện phí, chỉ vì nghĩ thương các con nên lúc nào cha cũng muốn buông xuôi để không là gánh nặng. Tôi vẫn động viên: "Xin cha yên tâm điều trị, còn người là con của, chúng con chỉ cần cha mạnh khỏe, không có cha thì cuộc sống không còn ý nghĩa". Chúng tôi làm công tác tư tưởng, bắt đầu phân công cho các con, các cháu gọi điện nói chuyện vui cùng cha, chiều chiều đưa cha đi dạo và tham gia các buổi tuyên truyền tại Bệnh viện.
Khoảng thời gian một tháng ở viện trôi qua, bác sĩ cho phép về nhà điều trị, lúc này dung mạo của cha rất tệ: tóc lơ thơ, da nhăn và sạm, ai nhìn cũng phải thương xót. Chúng tôi hướng dẫn mẹ cách chăm sóc và động viên tinh thần, từ đây thái độ của cha đã dần thay đổi.
Gần 6 tháng điều trị tại nhà theo liệu trình, đi khám lại bác sĩ kết luận cha đáp ứng thuốc tốt, bởi vậy tinh thần của cha cũng tăng lên, cha đã không còn phải dùng thuốc tây nữa mà chỉ cần đi khám định kỳ. Cha tâm sự với con rằng: "Cha mãn nguyện rồi, bây giờ ông trời gọi lúc nào thì thưa thôi", gia đình rất vui mừng khi cha đã vượt qua được khủng hoảng tâm lý, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách tiếp theo.
Với tôi, khoảng thời gian cha điều trị vô cùng khó khăn, là sự nỗ lực không ngừng của cả gia đình. Tôi muốn chia sẻ một số điều biết đâu sẽ có ích cho những người lỡ rơi vào hoàn cảnh như chúng tôi: Thứ nhất, nên sử dụng bảo hiểm y tế để giảm gánh nặng chi phí điều trị; Thứ hai, sự đồng hành, sẻ chia và kiên trì của người thân giúp người bệnh có tinh thần lạc quan hơn; Thứ ba, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, sự nỗ lực, quyết tâm và tinh thần của người bệnh rất quan trọng để chiến thắng bệnh.
Tôi cầu mong sẽ có những phép màu để cha và các bệnh nhân ung thư khác luôn mạnh khỏe để chiến đấu và chiến thắng bệnh.
Trần Thị Lộc