Ngày 23/6, Facebook bị tòa án liên bang Đức bác đơn kháng cáo, liên quan tới phán quyết rằng mạng xã hội này vi phạm luật cạnh tranh, lạm dụng sự thống trị của mình để thu thập trái phép dữ liệu của người dùng.
Cuộc điều tra Facebook được cơ quan chống độc quyền của Đức tiến hành từ năm ngoái. Các nhà chức trách cho rằng Facebook kết hợp những thông tin mà họ có được từ người dùng trên các nền tảng khác nhau, trong đó có WhatsApp và Instagram cũng như các website và ứng dụng bên thứ ba.
Tại Đức, Facebook hiện phải thay đổi cách khai thác thông tin người dùng. Cụ thể, người dùng được quyền không cho mạng xã hội này tổng hợp thông tin của họ trên Facebook với những thông tin về hoạt động của họ trên các ứng dụng và website khác. Quyết định này được đánh giá là tác động mạnh tới mô hình kinh doanh của Facebook, vốn phụ thuộc vào việc thu thập và phân tích dữ liệu để hiển thị quảng cáo mục tiêu tới từng người dùng.
Các nhà chức trách cũng cho rằng Facebook lợi dụng một cách không công bằng sự thống trị của mình để thu thập dữ liệu của hàng triệu người thông qua các ứng dụng và website bên thứ ba đang tích hợp nút Like và Share của Facebook.
Theo New York Times, các nhà quản lý Đức kết luận người dùng buộc phải đồng ý trao lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ cho Facebook, hoặc không sử dụng các dịch vụ mạng xã hội phổ biến của Facebook nữa.
Facebook cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo để bảo vệ quan điểm rằng họ không hề vi phạm luật chống độc quyền.
Facebook là hãng công nghệ mới nhất phải đối mặt với các cuộc điều tra từ châu Âu và Mỹ. Giữa tháng 6, Ủy ban châu Âu tuyên bố xem xét chính sách thu phí của Apple với các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba. Amazon cũng đang bị điều tra chống độc quyền tại Bỉ.
Ở Washington, Bộ Tư pháp, Quốc hội và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đang điều tra bộ tứ công nghệ quyền lực Amazon, Apple, Facebook và Google, cũng liên quan tới các cáo buộc về hành vi độc quyền.
Châu An (theo NYTimes)