Chiều tối 20/2, Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp của Bộ Y tế họp khẩn bàn biện pháp phòng chống dịch cúm H7N9. Buổi họp trực tuyến với các đầu cầu TP HCM, Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang; với sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Nông lương Thế giới...
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận đến 425 ca mắc, trong đó xuất hiện chùm ca bệnh. Dịch chủ yếu ở khu vực phía đông nam, trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Tây giáp với biên giới nước ta với đường biên rất dài. Tỷ lệ tử vong cao gần 50%. Các chuyên gia thế giới cho rằng Việt Nam cần tăng cường giám sát trên gia cầm, người.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây là đợt dịch bùng phát thứ 5 của virus cúm A(H7N9) trên thế giới. So với các đợt trước, đợt này bùng phát rất mạnh, số mắc cao nhất từ trước đến nay. Hiện Việt Nam chưa ghi nhận các ca mắc cúm H7N9 trên người cũng như trên gia cầm.
Chung quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng bày tỏ lo ngại khi dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, tiến sát biên giới nước ta, tốc độ gia tăng khá nhanh về địa lý và số mắc. Khả năng lây lan vào nước ta là hoàn toàn có thể. Trong khi đó, cúm gia cầm A(H5N1) bùng phát ở Campuchia sát biên giới tây nam với nước ta; một số tỉnh trong nước cũng đã ghi nhận các ổ dịch trên đàn gia cầm.
Nhằm phát hiện sớm ca bệnh trên người, Thứ trưởng Long yêu cầu mở rộng diện lấy mẫu, xét nghiệm cả những trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nhẹ; tăng cường giám sát dọc biên giới; cần thiết lấy mẫu thí điểm trên cộng đồng nhất là người buôn bán, vận chuyển, tiếp xúc gia cầm.
"Để song song đối phó 2 dịch, chúng ta cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch. Nguyên tắc không có dịch cúm trên gia cầm thì không có dịch trên người", Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 là: xã Vĩnh Phú Đông huyện Phước Long, Bạc Liêu; xã Diễn Thắng, Diễn Châu, Nghệ An và mới nhất là ổ dịch tại xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, hơn 4.600 con vịt tại 3 hộ gia đình đã bị tiêu hủy. UBND huyện Trực Ninh đã công bố dịch trên đàn gia cầm. Để ngăn ngừa dịch trên đàn gia cầm, ngành thú y sẽ phát động chiến dịch khử trùng tiêu độc toàn quốc.
Đại diện Bộ Nông nghiệp cũng đề nghị 2 Bộ cùng kiến nghị để Chính phủ có công điện khẩn, giao ban chỉ đạo 389 ngăn chặn hàng lậu, nhập khẩu trái phép, hàng không rõ nguồn gốc tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt nhấn mạnh gia cầm và các sản phẩm gia cầm.
Nam Phương