Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ tháng 3/2012 đến cuối năm 2013, trên thế giới ghi nhận 147 trường hợp mắc, 47 người tử vong vì cúm H7N9. Trong đó, số ca mắc ở Trung Quốc là 144 (3 ca còn lại ở Đài Loan và Hồng Kông) và số ca tử vong là 47.
Dịch cúm nguy hiểm này đang tiếp tục lan rộng xuống phía nam Trung Quốc và trường hợp mắc gần đây nhất ghi nhận được là ở Quảng Đông, đưa tổng số ca mắc ở địa phương sát biên giới Việt Nam lên con số 5. Nguy cơ bệnh dịch cúm H7N9 xâm nhập và gây dịch bệnh ở Việt Nam là rất lớn do đã ghi nhận các trường hợp mắc tại các tỉnh gần đường biên giới. Người Việt Nam giao lưu đi lại với các tỉnh phía nam Trung Quốc nhiều và buôn bán, vận chuyển gia cầm chưa kiểm soát tốt.
Theo Bộ Y tế, vi rút cúm A (H7N9) lưu hành trên các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên khó khăn trong phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát trên gia cầm. Trong khi đó, đã có bằng chứng rõ ràng về việc giảm số ca mắc ở người khi đóng cửa các chợ bán gia cầm sống tại Trung Quốc.
Kết quả điều tra cho thấy 69% bệnh nhận có phơi nhiễm với gia cầm; xét nghiêm hơn 600.000 mẫu bệnh phẩm trên gia cầm tại Trung Quốc phát hiện 53 mẫu dương tính với H7N9. Chính phủ Trung Quốc ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ USD do tác động của dịch bệnh này với nền kinh tế.
Cũng liên quan tới tình hình dịch bệnh, năm 2013 cả nước ghi nhận 99 trường hợp tử vong do bệnh dại (năm 2012 là 98 người) trong khoảng 300.000 người bị chó cắn. Phần lớn ca tử vong là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. 99% ca tử vong không tiêm văc xin sau khi bị chó cắn.
Tuấn Tú