Chiều 24/10, TS.BS Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết cúm gia cầm có nhiều loại, trong đó H5N1 là nhóm có khả năng gây nhiễm cao của virus cúm gia cầm. Chủng này lần đầu tiên được phát hiện xâm nhiễm trên người tại Hong Kong (Trung Quốc) năm 1997 và gây ra đại dịch vào năm 2003.
Từ năm 2003 đến nay Việt Nam mới ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm H5N1 trên người, trong đó 64 ca tử vong. Số ca mắc cao trong giai đoạn 2003-2010. Năm 2014 có hai trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại Bình Phước và Đồng Tháp, đều tử vong, tiền sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh. Hôm 20/10, nước ta ghi nhận bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ dương tính với A/H5N1, là ca bệnh cúm gia cầm trên người đầu tiên kể từ 2014.
Virus H5N1 lây truyền từ gia cầm sang người qua tiếp xúc qua chăn nuôi, thậm chí ăn thịt vật nuôi bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Sáng, không phải ai cũng lây nhiễm, tỷ lệ lây cũng không cao và cơ chế lây trực tiếp sang người như thế nào vẫn chưa rõ ràng.
"Cúm H5N1 lây từ gia cầm sang người nhưng chưa có bằng chứng lây từ người sang người. Tuy nhiên virus H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm, có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người", bác sĩ Sáng nói, thêm rằng theo khoảng 50-60% trường hợp mắc có biến chứng nặng và tử vong.
Biểu hiện nhiễm cúm H5N1 giống như cúm mùa thông thường, bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm. Người bệnh có triệu chứng sốt cao đột ngột trên 38 độ C, đau ngực, khó thở, đau họng, ho khan, đau đầu, đau nhức cơ...
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Trong điều trị, dùng thuốc kháng virus tamiflu sớm trong những ngày đầu, kết hợp điều trị với các triệu chứng khác.
Hôm 24/10, Bộ Y tế tiếp tục gửi công văn khẩn đến các địa phương đề nghị tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm. Theo Bộ Y tế, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.
"Do đó, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người", Bộ Y tế nhận định và yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do virus, điều tra các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm, xử lý sớm triệt để ổ dịch, sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Cần đảm bảo ăn chín, uống chín, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Tuyệt đối không được ăn tiết canh.
Không được vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, đặc biệt gia cầm, thủy cầm mắc bệnh. Nếu cần thiết tiếp xúc với người bệnh, gia cầm, thủy cầm mắc bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, mặc quần áo bảo hộ, ủng, găng tay. Rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc.
Cần lưu ý người mắc bệnh mạn tính, trẻ em là những người có nguy cơ mắc cúm cao, không nên tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời tiết chuyển lạnh cần ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng giúp phòng bệnh. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Lê Nga