Chăn thả tự do làm tăng nguy cơ tái dịch. |
4 tỉnh có gia cầm nhiễm virus H5N1 là Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Đặc biệt nghiêm trọng là 2 tỉnh Long An và Tiền Giang. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, ngày 29/9 dịch cúm đã xuất hiện tại một hộ chăn nuôi ở xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành với tổng đàn 2.000 con.
Tại tỉnh Tiền Giang, trong 2 ngày 28-29/9, gần 1.000 gia cầm đã bị nhiễm bệnh. Ngày 10/10, một trại gà hơn 2.000 con của ông Nguyễn Thanh Hải, xã Tân Mỹ Chánh thành phố Mỹ Tho cũng xuất hiện tình trạng gà chết hàng loạt. Lực lượng thú y địa phương đã tiêu hủy toàn bộ đàn gà và gửi 7 mẫu huyết thanh đi xét nghiệm. Theo ông Trang Thanh Bình, Trưởng trạm thú y thành phố Mỹ Tho, lực lượng thú y địa phương đang phải ứng trực 24/24, kể cả ngày nghỉ để chống dịch.
Trao đổi với báo giới chiều qua, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh thừa nhận, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những điểm nóng về nguy cơ tái dịch. Nguyên nhân là mầm bệnh còn tiềm ẩn, trong khi công tác khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi chưa tốt trước khi chăn nuôi trở lại. Công tác kiểm soát, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, con giống qua biên giới cũng như giữa các địa phương trong nước chưa chặt chẽ.
Theo ông Quang Anh, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam được báo cáo hàng tuần với tổ chức y tế thế giới. Do vậy, không có chuyện Bộ Nông nghiệp che giấu hoặc chậm công bố tình hình dịch bệnh. Thời gian từ khi gia cầm chết đến khi công bố nhiễm bệnh cách nhau một tuần là do công tác xét nghiệm huyết thanh mất nhiều thời gian.
Đầu tháng 10, Cục Thú y đã đến Hong Kong trao đổi, học tập kinh nghiệm phòng, chống bệnh cúm gia cầm, đặc biệt là kinh nghiệm sử dụng vacxin. Tuy nhiên, theo ông Quang Anh giữa Việt Nam và Hong Kong có sự khác biệt về môi trường, điều kiện, phương thức chăn nuôi. Trong đó, điểm khác biệt lớn nhất là Hong Kong chủ yếu chăn nuôi chuồng trại với quy mô lớn, việc tiêm phòng dịch tại chỗ, quản lý được thực hiện dễ dàng. Trong khi, gia cầm ở Việt Nam lại được chăn thả tự do, rất khó kiểm soát.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang cùng các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu cơ chế lây truyền virus cúm của đàn thủy cầm, mối liên hệ giữa virus cúm tại gà và thủy cầm. Trong thời gian này, Cục Thú y khuyến cáo, các hộ chăn nuôi cần cách ly giữa gà, vịt đồng thời khoanh nuôi tại chỗ, không thả từ vùng này sang vùng khác, nhằm hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm.
Việt Anh