Theo ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tháng 11/2004 cả nước chỉ có một điểm phát dịch, đến 12/2004 đã có 34 điểm. Thời gian từ 1-17/1 đã có thêm 205 điểm phát dịch ở 156 xã của 18 tỉnh và thành phố trong cả nước. Riêng tỉnh Long An, kể từ khi phát hiện dịch đến nay, đã có 65 điểm phát dịch ở 38 xã. Ông Phát đánh giá: "Thời điểm dịch lây lan mạnh nhất sẽ là từ nay đến giữa tháng 2.
Về ảnh hưởng của dịch đối với người, ông Phát cho biết, từ 12/2004 đến nay đã có 6 trường hợp nhiễm vi rút cúm H5N1, trong đó 2 bệnh nhân có sử dụng thịt gà, còn lại là những người sống trong vùng có gia cầm mắc bệnh cúm.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù chưa xác định chính xác con đường lây nhiễm virus từ gia cầm sang người nhưng có thể thấy dịch lần này rất nguy hiểm và có thể coi là đại dịch nếu như virus H5N1 biến thể, lây lan từ người sang người. Hơn nữa, trong lần tái phát dịch, đã phát hiện thêm virus có trên đàn thủy cầm (vịt). "Nếu không có biện pháp quyết liệt, phù hợp thì nguy cơ phát dịch trên diện rộng sẽ rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sinh mạng của nhân dân và kinh tế đất nước", Phó thủ tướng lo lắng.
Theo nhiều đại biểu tham dự hội nghị, hiện công tác phòng chống dịch ở các địa phương đang rất khó khăn. Ông Dương Quốc Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho hay, sự phân tán của gia cầm chính là một khó khăn lớn trong việc xử lý các ổ dịch. Nhiều hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô nhỏ chưa thực hiện tốt biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nên dễ xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt, việc kiểm soát đàn vịt rất khó khăn do chủ nuôi thường xuyên di chuyển qua các cánh đồng hoặc di chuyển ra khỏi vùng phát sinh ổ dịch.
Phó thủ tướng chỉ đạo phải tập trung toàn lực, thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất trong công tác kiểm soát, ngăn chặn và dập tắt dịch, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền tới mọi người dân. Phó Thủ tướng yêu cầu, khi trong đàn có gia cầm bị chết do nhiễm bệnh hoặc phát hiện có gia cầm bị nhiễm bệnh thì phải tiêu hủy cả đàn, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Chính quyền địa phương phải yêu cầu các hộ nuôi nhốt gia cầm áp dụng các biện pháp bao vây, tiêu độc khử trùng ổ dịch và vùng bị uy hiếp theo quy định thú y, như: khử trùng 3 lần/tuần đối với vùng có ổ dịch phát ra từ tháng 12/2004 tới nay, 1 lần/tuần với vùng có dịch trước đây và nơi có mật độ gia cầm cao, chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng lưu ý các đơn vị cũng phải chú ý bảo vệ gia cầm giống.
Về việc kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, Phó Thủ tướng cho biết, việc nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm từ các nước láng giềng sẽ tạm dừng, tiêu hủy toàn bộ số nhập lậu được phát hiện ở vùng biên giới cũng như trong thị trường nội địa. Ông nhấn mạnh, các địa phương phải cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trong thời gian 21 ngày kể từ khi con gia cầm mắc dịch cuối cùng bị tiêu huỷ, ra khỏi huyện nếu có từ 30% số xã trở lên có điểm phát dịch; ra khỏi tỉnh nếu có 50% số huyện trở lên phát dịch. Bộ Y tế cần sớm rà soát, bổ sung hệ thống trang thiết bị cấp cứu tại chỗ cho bệnh nhân bị nhiễm bệnh và chủ động phòng chống, không để dịch xảy ra trên diện rộng.
Tuấn Dũng