Thứ tư, 1/1/2025
Thứ năm, 30/9/2021, 15:36 (GMT+7)

Cụm di tích in dấu vua Hàm Nghi

Hà TĩnhThành Sơn Phòng, đền Công Đồng và đền Trần Lâm tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, là nơi vua Hàm Nghi từng đóng quân, ban tặng nhiều bảo vật.

Ba công trình được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2001.

Trên ảnh là đền thờ vua Hàm Nghi nằm trong khuôn viên thành Sơn Phòng, xã Phú Gia. Trong thành có hai con voi đá trước cửa đền, bao quanh là hệ thống sân, tường bao, cây xanh, đèn chiếu sáng...

Vua Hàm Nghi húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch (1872-1943), là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn. Năm 1884, Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13.

Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài, sau đó tới Hà Tĩnh đóng quân quân tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê. Đến năm 1888 ông bị bắt, đem đi an trí ở Algeria và qua đời tại đây năm 1943 vì ung thư dạ dày.

Trên ảnh là tượng thờ vua Hàm Nghi đặt trong đền ở thành Sơn Phòng.

Thành Sơn Phòng được vua Hàm Nghi cho người đắp vào năm 1885, làm đại bản doanh để tập luyện quân sự. Thành kết cấu hình chữ nhật, diện tích hơn 4.000 m2, rộng 200 m, dài 210 m.

Ngày nay, hệ thống bờ thành được giữ lại gần như nguyên vẹn, phía trên cây cối mọc lên bao phủ. Nhiều người dân địa phương đã xin chính quyền vào trồng lúa và hoa màu trong khuôn viên.

Thành trước kia được đắp cao 2,2 m, chân thành 9 m, mặt thành 7 m.

Phía ngoài, hào bao bọc lấy thành, sâu 7,7 m, rộng 5,5 m. Hiện nay hệ thống hào được cải tạo thành kênh thủy lợi.

Hào trước kia là đường thủy quan trọng, nối liền các khu vực trong thành. Lúc xảy ra nguy biến, đây là đường để vua Hàm Nghi và nghĩa quân rút lui ra sông Tiêm rồi vào rừng núi ẩn náu.

Thành xây hướng Nam, bốn cạnh theo hướng Đông Nam - Tây Bắc, chính giữa bốn cạnh thành xây bốn cổng đối diện nhau, ba cổng rộng 8 m, riêng cổng chính rộng 8,5 m.

Trải qua nhiều biến thiên của thời gian, đến nay cổng phía Đông còn lối ra. Nhà chức trách lát gạch đường đi, trồng cây hai bên để tạo cảnh quan.

Đền thờ vua Hàm Nghi được dựng chủ yếu bằng gỗ, phía trên các mái thiết kế và trang trí nhiều họa tiết, hoa văn cách điệu. Trong thời gian đóng quân ở thành Sơn Phòng, vua Hàm Nghi đã phát hịch Cần Vương kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước chống Pháp.

Cách thành khoảng 1 km là đền Công Đồng, thờ các danh nhân có công trong việc bảo vệ biên cương thời Lê. Hiện, đền lưu giữ 37 đạo sắc phong của các triều Lê - Nguyễn. Thời đóng quân, vua Hàm Nghi nhiều lần ghé thăm nơi này.

Đền Trần Lâm hay còn gọi là miếu Trăm Năm, cách thành khoảng 500 m, thờ Đức thánh mẫu Trần Lâm, phía trước đền có một hồ nước rộng lớn.

Tương truyền, trong thời gian lập căn cứ địa ở xã Phú Gia, một hôm bị quân Pháp tấn công, vua Hàm Nghi chạy trốn vào đền Trần Lâm (thôn Phú Hòa) để ẩn náu. Đêm tối, một vị thần linh báo mộng nhà vua không nên ở lại nơi này quá lâu, bởi nguy hiểm sắp đến gần.

Sau khi được thần linh "mách nước", vua Hàm Nghi cùng các quan làm lễ tạ ơn tại miếu Trăm Năm, cảm ơn người dân trong làng rồi rút vào vùng núi Quảng Bình xây dựng củng cố lực lượng đánh giặc.

Trước khi rời đi, vua Hàm Nghi đã ban sắc phong "Thượng thượng đẳng tối linh thần" cho các vị thần thờ ở miếu Trầm Lâm và đền Công Đồng.

Người dân trong xã được nhà vua tặng cho 2 con voi bằng vàng nguyên khối (một con nặng 2,7 lượng, con còn lại nặng 1,7 lượng), 40 đạo sắc phong, 8 bộ áo mũ triều thần, cờ lộng, 2 thanh kiếm lưỡi sắt có cán sơn son thiếp vàng, một con nghê đồng, một tấm áo bào, 20 chiếc quạt...

Từ ngày được nhà vua ban tặng bảo vật quý cho tới nay, người dân xã Phú Gia cùng nhau gìn giữ, xem đó là vật thiêng liêng, đem lại may mắn cho dân làng.

Cứ hai năm một lần, dân làng bầu ra một người có uy tín, phẩm chất tốt, gia đình hòa thuận và đặt chức danh là Cố đạo chủ. Người này được đưa các bảo vật về nhà cất giữ, bảo quản và không được làm thất lạc. Hết "nhiệm kỳ", các hiện vật sẽ được chuyển giao cho người mới.

Hàng năm, vào ngày mùng 7 Tết, các cụ cao niên trong xã tập trung tổ chức kiểm tra bảo vật. Nếu như trùng thời điểm hết "nhiệm kỳ" hai năm của Cố đạo chủ, dân làng sẽ bầu người mới, sau đó sẽ đánh chiêng trống rước bảo vật qua ngôi đền Trần Lâm và thành Sơn Phòng để tưởng nhớ công lao và tinh thần yêu nước của vua Hàm Nghi.

Hàng năm cụm di tích Thành Sơn Phòng, đền Công Đồng, đền Trần Lâm đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến thắp hương, tham quan, nghiên cứu các giá trị lịch sử, kiến trúc và tôn giáo.

Đức Hùng

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net