Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet ngày 14/12, tập trung vào những vấn đề người bệnh gặp phải sau lần mắc cúm nặng. Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, giám đốc nghiên cứu và phát triển tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe St. Louis, tác giả công trình, cho biết: "Sau Covid-19, chúng tôi hiểu rằng các bệnh truyền nhiễm cấp tính vẫn có thể tiến triển thành mạn tính".
Để thực hiện nghiên cứu, Aly và các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ. Họ so sánh kết quả sức khỏe lâu dài của khoảng 11.000 người nhập viện mùa cúm 2015-2019 với 81.000 người nhập viện vì Covid-19 năm 2020-2022. Từ đó, các nhà nghiên cứu theo dõi xem có bao nhiêu người phát triển các vấn đề sức khỏe trong một năm rưỡi sau đó.
Họ phát hiện bệnh nhân cúm gặp các vấn đề lâu dài ở nhiều hệ thống cơ quan cùng một lúc, đặc biệt là phổi. Nhiều người bị ho kéo dài hàng tháng, khó thở nghiêm trọng do viêm và sẹo phổi. Ngược lại, các bệnh nhân Covid-19 thường gặp di chứng không liên quan đến phổi, gồm mệt mỏi, yếu cơ và sương mù não.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu cho rằng Covid-19 vẫn gây bệnh nghiêm trọng hơn. So với cúm, người mắc Covid-19 có nguy cơ gặp 64 loại biến chứng cao hơn, gồm mệt mỏi, bệnh tâm thần, bệnh phổi, đường tiêu hóa và tim mạch. Khoảng 14% người trưởng thành ở Mỹ cho biết các vấn đề này dai dẳng và đeo bám cuộc sống của họ.
Todd Rice, giám đốc khu Hồi sức Tích cực, Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết Covid-19 kéo dài chỉ ra rằng các bệnh do virus nói chung có thể để lại nhiều di chứng dai dẳng. Các chuyên gia cũng quan sát được hội chứng tương tự ở các bệnh nhân nhiễm virus đường hô hấp khác.
Kết quả nghiên cứu phù hợp với công trình khác, được công bố vào tháng 10, cho thấy các triệu chứng của người nhiễm virus đường hô hấp thông thường có thể kéo dài.
Thục Linh (Theo NBC News)