"Không quốc gia nào số người chết vì bệnh dại nhiều như Việt Nam", Cục trưởng Thú y Nguyễn Văn Long nói tại hội thảo tập huấn giám sát bệnh dại, diễn ra ở tỉnh Gia Lai ngày 22/3.
Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận mỗi năm toàn cầu có hơn 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine, khoảng 60.000-70.000 người chết do bệnh dại. Tài liệu của Viện Pasteur TP HCM cho thấy ở các nước Đông Nam Á, tỷ lệ chết vì bệnh dại hàng năm chiếm 80% toàn thế giới và xu hướng tăng cả về số ca dại lẫn tử vong. Theo ông Long, số ca tử vong do bệnh dại ở Việt Nam hiện nhiều nhất.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận bệnh dại diễn biến phức tạp trong hai năm qua. Năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại, gần 700.000 người bị chó mèo cắn phải đi tiêm phòng. Ba tháng đầu năm nay cả nước có 27 người chết vì bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương tăng cường tuyên truyền phòng dịch.
Số người tử vong do bệnh dại ở các tỉnh Tây Nguyên hiện cao nhất nước. Tỷ lệ virus dại trên đàn chó mèo khu vực này cũng ở mức cao. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thống kê từ năm 2015 đến nay khu vực có 110 ca tử vong do bệnh dại, trong đó nhiều nhất là Gia Lai. Còn Chi cục Thú y vùng V giám sát mẫu, ghi nhận tỷ lệ phát hiện virus dại trên đàn chó mèo khu vực Tây Nguyên đến 50-60%.
"Một số ổ dịch dại thời gian gần đây không diễn ra theo quy luật dịch tễ, bệnh không chỉ bùng phát vào mùa nắng nóng mà cả những tháng cuối năm khi thời tiết lạnh", đại diện Chi cục Thú y vùng V cho biết.
Tổng đàn chó mèo ở Gia Lai hiện hơn 210.000 con, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Chủ yếu chó mèo được nuôi thả rông, không có chuồng trại. Tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn rất thấp, chỉ khoảng 19%. Từ năm ngoái đến nay 16 người ở Gia Lai tử vong do bệnh dại, tất cả đều chưa được điều trị dự phòng bệnh sau khi bị chó cắn.
"Đây là hệ quả của việc không nuôi nhốt, tiêm phòng chó mèo và không tiêm vaccine dại khi bị con vật cắn", ông Long nhận định, thêm rằng nguyên nhân là sự thiếu nhận thức của người dân và trách nhiệm của cơ quan y tế trong công tác phòng chống, tuyên truyền.
Theo ông, các địa phương triển khai phòng chống bệnh chưa quyết liệt, chưa đúng thời điểm và chưa sát thực tế. Ông khuyến cáo các địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về bệnh dại, kiểm soát chó thả rông và đưa tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu đạt 70-80%.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cũng vừa đề xuất UBND thành phố quy định chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký, khai báo định kỳ với địa phương, khuyến khích gắn chip điện tử vật nuôi để dễ quản lý.
Bệnh dại lây truyền cho người qua nước dịch của chó mèo hay động vật cào, cắn. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tỷ lệ tử vong 100%. Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine khi bị động vật cào, cắn làm trầy xước da.
Trần Hóa