Chiều 12/2, lãnh đạo Cục gặp gỡ, trao đổi với báo chí về chủ trương sửa đổi hai nghị định 79 và 15 về nghệ thuật biểu diễn, được Cục đề xuất lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ cuối năm ngoái. Một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận kỹ là việc bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975, đã được Chính phủ chấp thuận.
Dự kiến, Cục chỉ can thiệp, ngăn chặn những sáng tác mang nội dung phản động, chống phá Nhà nước, bôi nhọ tổ chức, cá nhân và nắm tình hình thông qua Sở Văn hoá các tỉnh, thành. "Các đơn vị tổ chức trực tiếp gửi nội dung, xin cấp phép chương trình biểu diễn tại địa phương. Cán bộ văn hóa của khu vực sẽ trực tiếp thẩm định, loại bỏ những ca khúc, sự kiện có nội dung không lành mạnh. Việc thẩm định là một câu chuyện khó, có thể xảy ra rủi ro, đòi hỏi lãnh đạo địa phương phải có trình độ. Qua đó, Cục muốn tăng quyền, tăng trách nhiệm của các đơn vị cấp dưới", ông Vinh nói.
Ông Vinh thừa nhận việc bỏ cơ chế cấp phép, để các địa phương xét duyệt nội dung chương trình, ca khúc có thể dẫn đến tình trạng không đồng nhất, một bài hát được biểu diễn ở tỉnh này nhưng không được sử dụng ở tỉnh khác. "Điều này phản ánh tính truyền thống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng đa dạng ở các vùng miền", ông Vinh giải thích.
Để hoạt động diễn ra thuận tiện, cơ quan sẽ xây dựng biểu mẫu, quy định cụ thể về việc thẩm định ca khúc. Ngoài ra, Cục tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động văn hoá, nghệ thuật ở các địa phương, đồng thời xây dựng khung hình phạt nặng, có tính răn đe. Thời gian tới, Cục sẽ thành lập hội đồng khoa học và mời các bên liên quan tham gia soạn dự thảo nghị định mới, dự kiến hoàn thành và có hiệu lực từ tháng 9. Trong thời gian xây dựng dự thảo, các quy định cũ vẫn có hiệu lực.
"Chúng tôi cố gắng tạo hành lang thông thoáng cho các đơn vị, doanh nghiệp, nghệ sĩ trong và ngoài môi trường công lập. Việc bỏ quy chế cấp phép giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà. Hơn nữa, ca khúc là tài sản cá nhân, đa phần sáng tác hiện nay có nội dung lành mạnh. Việc đổi mới phù hợp với nền kinh tế thị trường, tư duy cởi mở của xã hội hiện đại. Tôi rất vui vì Chính phủ chấp thuận chủ trương này", ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Tranh cãi về việc có nên duy trì cấp phép ca khúc trước 1975 hay không xảy ra từ tháng 3/2017, khi Cục Nghệ thuật biểu diễn đột ngột yêu cầu dừng lưu hành 5 ca khúc trước 1975 với lý do không rõ ràng. Trước phản ứng gay gắt của dư luận, Cục phải thu hồi quyết định, tự kiểm điểm. Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn lúc bấy giờ - ông Nguyễn Đăng Chương - phải xin lỗi dư luận về sai sót trong khâu quản lý, bị điều chuyển về Văn phòng Bộ vì liên quan đến diễn biến trên.
Đầu năm 2018, Bộ Văn hóa lần đầu công khai dự thảo hồ sơ xây dựng nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn, trong đó đề xuất bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, đồng thời lập danh sách các bài hát cấm nếu đi ngược lại lợi ích dân tộc.
Về việc đưa người đẹp đi thi quốc tế, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang cân nhắc một số phương án. Theo quy định hiện hành, thí sinh đại diện Việt Nam phải đạt danh hiệu hoa hậu, á hậu, hoa khôi một cuộc thi trong nước. Cục xem xét trong tương lai, bất cứ ai đáp ứng đủ yêu cầu của phía đối tác nước ngoài đều có thể dự thi. Phương án khác là chỉ cấp phép cho thí sinh tham gia một số cuộc thi quốc tế lớn với tư cách đại diện Việt Nam. Những cuộc thi nhỏ khác, những ai đủ điều kiện của ban tổ chức có thể tự do tham dự với tư cách cá nhân.
Hà Thu