Tại buổi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 20/1, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan này chỉ đạo EVN xây dựng giá điện cơ sở năm 2017 dựa trên số liệu năm 2015, 2016 và các tính toán cơ sở chi phí giá thành. Trường hợp các chi phí đầu vào như tỷ giá, nguyên liệu, biến động tỷ lệ nguồn điện hay chi phí mua điện từ các nhà máy... cao hơn từ 7% trở lên thì mới điều chỉnh giá điện.
"Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang kiểm tra giá cơ sở và chưa có quyết định điều chỉnh giá điện", ông Tuấn khẳng định.
Thừa nhận chuyện tăng giá điện có thể ảnh hưởng tới tâm lý người dùng, ông Tuấn cho hay mỗi lần tính toán điều chỉnh đều phải cân nhắc. Trên cơ sở khung giá bán lẻ, giá cơ sở, Bộ Công Thương sẽ tính toán mức và thời điểm điều chỉnh. "Nếu yếu tố nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng tỷ giá giảm thì cũng không có lý do tăng giá điện", lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực nói thêm.
Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập - Công ty Deloitte Việt Nam, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015 là 234.736 tỷ đồng; giá thành sản xuất là 1.633,74 đồng một kWh, tăng gần 95 đồng một kWh so với năm 2014.
Giá nhiên liệu, chủ yếu giá khí tăng 2%, được cho là yếu tố đẩy giá thành sản xuất điện năm 2015 tăng. Ngoài ra các nhà máy thuỷ điện không đạt được sản lượng như kế hoạch đề ra ban đầu do thuỷ văn không có nhiều thuận lợi. Cùng với đó sản lượng điện huy động từ các nhà máy thuỷ điện giảm phải bù từ nhà máy nhiệt điện than, khí. “Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng giá thành, chi phí mua điện từ nhiệt điện, tuabin khí cao hơn thuỷ điện”, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực nói.
Cơ quan kiểm toán cũng chỉ ra còn gần 10.400 tỷ đồng các chi phí chênh lệch tỷ giá của 3 tổng công ty phát điện và cước vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP HCM, chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh năm 2015.
Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN cho hay, trong năm 2015, do giá dầu thế giới giảm kéo theo giá khí tính trên cơ sở của giá dầu giảm theo nên tổng chi phí do giảm giá khí và giá dầu là 5.000 tỷ đồng cũng khiến cho giá thành điện đỡ căng thẳng.
Dẫu vậy chi phí tỷ giá phát sinh vẫn xấp xỉ gần 10.400 tỷ đồng nên tập đoàn này vẫn còn phải xử lý khoảng 5.400 tỷ. Nhờ tối ưu hoá hoạt động kinh doanh, tăng năng suất lao động nên ngay trong năm 2015 EVN đã tiếp tục xử lý được 3.500 tỷ đồng nữa. Phần còn lại, khoảng 1.900 tỷ sẽ phải chuyển vào số dư chênh lệch tỷ giá để phân bổ dần theo sự cho phép của Bộ Tài chính, cụ thể sẽ được hạch toán dần vào giá điện trong 5 năm.
Tại cuộc họp, lý giải việc chậm công bố giá thành sản xuất hàng năm, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cũng như EVN cho rằng việc làm báo cáo tài chính tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp, thông thường mất từ 90 đến 105 ngày. Sau khi báo cáo tài chính được làm xong, các công ty kiểm toán cũng phải có thời gian để có thể kiểm tra, rà soát lại hồ sơ....
Anh Minh