Trước thông tin một số nông dân sử dụng xi măng làm phân bón mang lại kết quả tốt, nâng cao năng suất lúa, Cục trồng trọt cho biết, đây là việc làm tự phát, không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đất. Hai nông dân ở huyện Lai Vung và Lấp Vò (Đồng Tháp) đã thực hiện việc này.
Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất. "Xi măng không phải là phân bón. Nó không cung cấp chất gì để cải tạo đất vì thành phần của nó chủ yếu là đất sét, đá vôi và một số phụ gia. Xi măng cũng không có bất kỳ chất dinh dưỡng nào cho cây trồng", ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục trồng trọt nói.
Theo ông, nếu bón xi măng với lượng lớn và liên tục sẽ gây tác hại lớn vì làm hỏng tính chất đất và sinh trưởng phát triển của cây trồng. Do vậy, người đứng đầu Cục trồng trọt khuyến cáo nông dân không xử dụng xi măng bón cho lúa cũng như các cây nông nghiệp khác.
Lãnh đạo Cục cho rằng, bón phân theo "4 đúng" (đúng lúc, đúng loại, đúng liều lượng và đúng phương pháp) cùng với các biện pháp kỹ thuật tiên tiến áp dụng phổ biến trong canh tác lúa hiện nay là "1 phải, 5 giảm" (sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, lượng phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lượng nước và thất thoát sau thu hoạch), canh tác theo VietGap sẽ mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất, từ đó nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam.
Cục Trồng trọt mới đây đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng cường kiểm tra và giải thích cho người dân hiểu rõ về tác hại, khuyến cáo người dân không dùng xi măng để bón cho lúa và các cây trồng khác.
Trước đó, việc dùng xi măng thay thế phân bón gây tranh cãi trong giới chuyên gia. Theo tiến sĩ hóa học Phạm Văn Khải, trong xi măng có canxi nên giúp cải tạo đất thoái hóa, bạc màu và thiếu chất. Trong khi chuyên gia khác cho rằng bón xi măng cho lúa khiến đất bị chai cứng.
Phạm Hương