
Bắc cực quang trên sao Thổ do kính viễn vọng không gian Hubble chụp lại. Ảnh: ESA/NASA.
Kính viễn vọng không gian Hubble ghi lại cảnh tượng bắc cực quang tỏa sáng trong và sau hạ chí của sao Thổ, Mashable hôm 31/8 đưa tin. Những hình ảnh mới công bố được chụp từ năm 2017, thời điểm tàu vũ trụ Cassini kết thúc sứ mệnh khám phá sao Thổ, lao xuống hành tinh này và bốc cháy.
Hình ảnh mới được chụp nhờ ánh sáng cực tím. Đây cũng là hình ảnh toàn diện nhất về bắc cực quang sao Thổ đến nay, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) nhận xét.
Đồ họa thể hiện cực quang sao Thổ dựa trên dữ liệu năm 2017. Video: HubbleESA.
Trên Trái Đất, cực quang hình thành khi các hạt mang điện từ Mặt Trời lao vào khí quyển, kích thích các hạt trung hòa và tạo ra ánh sáng sặc sỡ. Cực quang sao Thổ cũng chịu tác động từ Mặt Trời nhưng trông rất khác trên hành tinh xanh. "Vì khí quyển 4 hành tinh phía ngoài của hệ Mặt Trời chứa rất nhiều hydro, không giống Trái Đất, nên cực quang sao Thổ chỉ có thể quan sát với bước sóng cực tím", đại diện ESA cho biết.
Những ảnh chụp này cũng cung cấp một số thông tin mới về cực quang sao Thổ, trong đó có việc đạt độ sáng mạnh nhất vào bình minh và ngay trước nửa đêm. Các nhà khoa học chưa từng quan sát được cực quang sáng nhất vào thời điểm trước nửa đêm. Hiện tượng này được cho là do tương tác giữa các hạt từ Mặt Trời với từ quyển tại điểm chí của sao Thổ.