Thông tin được ông Triệu Văn Lực, Cục phó Lâm nghiệp, nói tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra chiều 1/8, khi trả lời về vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc vùi lấp ba cảnh sát và một người dân.
Ông Lực cho hay vườn sầu riêng nằm ở vị trí sạt lở trên đèo Bảo Lộc thuộc đất rừng phòng hộ. "Rừng phòng hộ trên cạn theo quy định phải trồng cây bản địa, có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa", ông nói, cho biết việc để xảy ra sạt lở chắc chắn có trách nhiệm của địa phương trong thực hiện quy hoạch.
Theo ông Lực, nhận định ban đầu vụ sạt lở do tác động của lượng mưa quá lớn, mưa kéo dài nhiều ngày. Trong khi đó vị trí sạt lở là đồi trồng sầu riêng có thế đất rất cao, thảm thực bì không được tăng cường do cây mới được trồng từ năm 2019 nên không có độ che phủ.
Trong khi đó trả lời VnExpress, ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai, nói khu đất trồng sầu riêng xảy ra sạt ở của bà Đặng Thị Lộc, trú tại khu phố 8, thị trấn Đạ M'ri. Bà Lộc cùng gia đình sống ở khu vực này trước năm 1975 và khai phá đất để làm rẫy từ năm 1985.
Đến năm 2008, toàn bộ khu đất này được đưa ra quy hoạch lâm nghiệp, theo Quyết định 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng. "Ngày trước trên diện tích này bà Lộc trồng cây mít, bơ, cà phê, gần đây mới cải tạo lại để trồng sầu riêng", Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri nói và cho biết khu vực này chưa từng xảy ra sạt lở.
Khu vực rừng nói trên trước đây do Lâm trường Đạ Huoai quản lý, đến năm 1999 bàn giao cho Ban quản lý rừng Nam Huoai.
Kiểm tra hiện trường hôm 31/7, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo sớm làm rõ lý do sự cố. UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu huyện Đạ Huoai kiểm tra pháp lý khu vực trồng sầu riêng; cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá để tìm nguyên nhân sạt lở, công bố khi có kết luận.
Nhóm phóng viên