Trao đổi với báo chí chiều 16/7, ông Hà Lê, Cục phó Cục Kiểm ngư cho biết, theo thiết kế các tàu kiểm ngư của Việt Nam chịu được bão cấp 7, 8 trong khi cơn bão Rammasun mạnh cấp 13 khi vào biển Đông. Vì thế Cục Kiểm ngư có phương án di chuyển các tàu về nơi tránh trú bão để bảo đảm an toàn; đồng thời thực hiện công tác hậu cần, sửa chữa.
Theo lệnh điều động của Ủy ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quốc gia, các tàu cá Việt Nam cũng đã về bờ tránh trú bão. Hiện ngư dân tại khu vực Hoàng Sa đã về các điểm tập kết truyền thống như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Quảng Ngãi, Đà Nẵng…
"Khi bão tan, lực lượng kiểm ngư sẽ tiếp tục quay trở lại vùng biển để hỗ trợ ngư dân và đấu tranh thực thi pháp luật nếu cần", ông Lê nói.
Cũng trong chiều 16/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nhận định: "Việc Trung Quốc di dời giàn khoan là đương nhiên và đáng nhẽ Trung Quốc nên làm việc này sớm hơn".
Dù cho rằng việc Trung Quốc dời giàn khoan là tin vui nhưng theo Thứ trưởng, các lực lượng Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và theo dõi động thái của nước này. "Trường hợp Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam, các lực lượng sẽ tiếp tục đấu tranh", Thứ trưởng Tám nói.
Sau hơn hai tháng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, 21h ngày 15/7, Trung Quốc di chuyển giàn khoan về phía đảo Hải Nam theo hướng bắc tây bắc với vận tốc mỗi giờ khoảng 4-5 hải lý, đồng thời bố trí ba lớp bảo vệ quá trình di chuyển. Đến 6h ngày 16/7 phía Trung Quốc còn 9 tàu bảo vệ giàn khoan và tới trưa cùng ngày tất cả các tàu của nước này đã di chuyển hết. Chiều cùng ngày, Trung Quốc đã rời giàn khoan ra khỏi thềm lục địa Việt Nam.
Hương Thu