- Sau việc bốn bài hát quen thuộc của Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép trong chương trình Nối vòng tay lớn ở Huế, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (viết tắt: Cục NTBD) có hướng xử lý thế nào?
- Với bốn bài hát còn chưa được cấp phép trong đêm nhạc gồm Nối vòng tay lớn, Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ, chúng tôi đang liên hệ, hướng dẫn đơn vị tổ chức thực hiện theo đúng quy định để kịp cho đêm diễn sắp tới.
* Ca khúc "Nối vòng tay lớn"
- "Nối vòng tay lớn" và nhiều tác phẩm của Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép phổ biến nhưng từ trước đến nay vẫn được lưu hành, phổ biến trong các chương trình. Ông giải thích sao về mâu thuẫn này?
- Trước đây, bài hát trên thực tế chưa có giấy phép phổ biến theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng Hội đồng nghệ thuật của Cục đánh giá tác phẩm có nội dung tốt, có chất lượng nghệ thuật. Theo phân cấp quản lý, Cục NTBD cũng như các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên toàn quốc vẫn thực hiện cấp phép biểu diễn trong một số chương trình nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân.
Thời gian vừa qua, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấn chỉnh việc sử dụng các tác phẩm sáng tác trước năm 1975. Do đó, mới xảy ra trường hợp như đêm nhạc Nối vòng tay lớn ở Đại học Y dược Huế khi Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế hướng dẫn đơn vị tổ chức đề nghị cho phép phổ biến các bài hát Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ và Nối vòng tay lớn.
- Việc lưu hành, cấp phép các ca khúc trước 1975 và các tác phẩm nói chung đang bị nhận xét là mang nặng tính "xin - cho". Quan điểm của Cục ra sao?
- Việc cấp phép phổ biến các bài hát đã được nêu rõ trong nghị định của chính phủ. Đây là quy định pháp luật và mọi tổ chức, cá nhân cần phải tuân thủ. Cục NTBD cũng không ngoại lệ.
Hiện tại, việc đề nghị cho phép phổ biến các bài hát sáng tác trước năm 1975 rất đơn giản. Các tổ chức, cá nhân chỉ cần truy cập vào website Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để gửi hồ sơ online. Sau đó, Cục sẽ xem xét, cấp phép trong thời hạn quy định. Tôi cho đây là cải cách lớn từ phía cơ quan quản lý.
* Mỹ Tâm hát "Đêm thấy ta là thác đổ"
- Theo Cục, khó khăn hiện nay trong quá trình cấp phép lưu hành, phổ biến các tác phẩm trước 1975 là gì?
- Chủ sở hữu tác phẩm mới là nơi nắm giữ bản nhạc chính xác nhất về ca từ, ký tự âm nhạc và có quyền quyết định muốn phổ biến tác phẩm mình đang sở hữu hay không. Nếu cơ quan quản lý chủ động cho phép, một tình huống có thể xảy ra là tác phẩm được phép phổ biến nhưng nội dung không chính xác hoặc tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chưa xác nhận, đồng ý.
Hiện nay, có nhiều bài hát còn được lưu giữ trong công chúng nhưng các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chưa chủ động đề nghị cấp phép. Vì vậy, vẫn còn những tác phẩm chưa được phổ biến đến công chúng. Trong khi đó, việc xác định nội dung, quyền sở hữu tác phẩm hoàn toàn thuộc quyền nhân thân của tác giả. Chúng tôi rất mong các tổ chức, cá nhân lưu giữ, sưu tầm, sở hữu gửi đề nghị qua website để Cục tổ chức thẩm định và cho phép phổ biến theo quy định của pháp luật.
Chương trình "Nối vòng tay lớn" sẽ diễn ra vào ngày 21/4 do Đại học Y dược Huế kết hợp gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức đang gặp khó khăn do có bốn ca khúc không nằm trong danh mục bài hát trước 1975 được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép phổ biến. Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - đánh giá Nối vòng tay lớn là tác phẩm "có nội dung tốt". Phía Cục sẽ nhanh chóng cấp phép khi đơn vị tổ chức hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý. Ngày 12/4, ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn được duyệt phổ biến. |