Tuần qua, Cục Hàng hải đã kiểm tra tình hình vận tải biển, giám sát giá dịch vụ cảng biển, vận tải hàng hóa container tại các cảng Quảng Ninh, Hải Phòng, Vũng Tàu và TP HCM, trong bối cảnh giá vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đi các nước châu Âu, Mỹ có xu hướng tăng mạnh do tắc nghẽn tại một số cảng châu Á.
Theo thống kê về chỉ số giá vận chuyển container của trang Drewry (Trung tâm nghiên cứu hàng hải độc lập cung cấp thông tin về thị trường hàng hải), giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ bắt đầu tăng cao từ đầu năm 2024, đạt đỉnh vào cuối tháng 1.
Sang tháng 2, giá cước đã giảm dần. Song đến tháng 5, mức giá lại tiếp tục tăng nhanh trở lại, hiện tại cao hơn 17% so với tháng 1 và bằng 45% so với mức giá đỉnh lúc Covid (tháng 9/2021).
Theo đại diện cảng Gemalink, cảng đã chuẩn bị phương án để đón sản lượng hàng hóa tăng trong thời gian tới do cảng Singapore bị tắc nghẽn, các hãng tàu sẽ chuyển hướng sang các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam do lợi thế về cảng nước sâu. Về tuyến vận tải cũng có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, tại khu vực Hải Phòng có 7 tuyến vận tải đi châu Mỹ, còn khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải có trên 35 tuyến vận tải đi châu Âu, châu Mỹ và Nội Á.
Các doanh nghiệp cảng cũng báo cáo tình hình hoạt động tàu thuyền ra vào cảng biển thông suốt, hiệu quả, không có hiện tượng tắc nghẽn hàng hóa, các bến cảng vẫn đủ khả năng đáp ứng tàu thuyền kể cả trong trường hợp hàng hóa dự báo tăng trong thời gian tới.
Đại diện các hãng tàu lớn cung cấp dịch vụ vận chuyển container đi châu Âu, Mỹ khẳng định hiện nay không có hiện tượng thiếu vỏ container. Các hãng vẫn đảm bảo đáp ứng vỏ container phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho thị trường Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu sản lượng hàng hóa dự báo tăng cao trong thời gian tới do xu hướng chuyển dịch từ Singapore về Việt Nam, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Hàng hải đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp đẩy mạnh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng, giảm thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền lưu thông.
Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, lãnh đạo Cục Hàng hải đánh giá chủ hàng nhỏ lẻ bị ảnh hưởng lớn nhất trong việc tăng giá cước, còn các chủ hàng lớn có nguồn hàng ổn định ký kết hợp đồng dài hạn, giá cước sẽ được giữ ổn định, không thay đổi trong khi hợp đồng còn hiệu lực.
Để tránh ảnh hưởng bởi biến động giá cước, Cục trưởng Hàng hải Việt Nam đã đề nghị các Hiệp hội ngành hàng tập hợp các doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tác động của giá cước trong giai đoạn thị trường diễn biến phức tạp hiện nay.
Các cảng vụ hàng hải cũng được yêu cầu tăng cường giám sát giá dịch vụ tại cảng biển và giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển; theo dõi tình hình tắc nghẽn tại các bến cảng, cung cấp vỏ container, báo cáo định kỳ cho Cục Hàng hải Việt Nam.
Về dài hạn, Cục Hàng hải cho biết tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như hải quan để đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa tồn đọng lâu ngày tại cảng biển, bổ sung các quy định về phân bổ nguồn kinh phí nạo vét luồng tuyến hàng hải.
5 tháng đầu năm các cảng biển Việt Nam đã đạt sản lượng 7,56 triệu TEU hàng hóa container xuất nhập khẩu, tăng 16% so với cùng kỳ 2023. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây, cao gấp 3 lần tăng trưởng trung bình trong 5 năm là 5,5%.
Hiện nay, giá cước vận chuyển hàng hóa container đi tuyến từ châu Á đến châu Âu và Mỹ có mức tăng lớn nhất, tuy nhiên chiều từ châu Mỹ, Âu về châu Á và các tuyến vận tải nội Á không biến động nhiều. Giá cước vận tải biển container được điều tiết theo thị trường quốc tế, theo cung cầu thị trường, nên giá cước vận tải của Việt Nam cũng bị điều chỉnh.