Ông Trần Chủng. Ảnh: Nguyễn Hưng |
- Theo ông, nguyên nhân ban đầu của vụ sập cầu như thế nào?
- Có thể khu biệt lại nguyên nhân số 1 là lỗi thi công, có nhiều hạng mục thi công cần xem xét như đà giáo, trụ giáo, dàn giáo, móng.
Nội dung chi tiết sẽ do cơ quan chuyên môn, cơ quan điều tra đưa ra. Nhưng theo tôi, cần xem xét 3 khía cạnh. Thứ nhất, là năng lực của các bên tham gia công trình, bao gồm cả đơn vị khảo sát, thiết kế và lập biện pháp thi công. Thứ hai, cần xác minh xem biện pháp thiết kế, biện pháp thi công, hệ thống đà giáo đã được thử tải hay chưa. Cuối cùng là phải kiểm tra trình tự thi công có đúng không.
- Theo ông, đi tìm nguyên nhân sự cố sẽ mất bao nhiêu thời gian?
- Việc truy tìm nguyên nhân này cũng như bác sĩ khám bệnh, cần dành cho nhà chuyên môn thời gian, không gian, công cụ khám, không nên gây sức ép bảo bao giờ phải xong. Như vậy là duy ý chí.
Cơ quan điều tra đã chính thức vào cuộc. Chúng tôi cũng chủ động tập hợp một đội ngũ chuyên gia độc lập xem xét sự cố một cách khách quan, khoa học để tìm ra nguyên nhân ở đâu, phân tích những khía cạnh ảnh hưởng. Trên cơ sở phân tích ấy để sau này các đơn vị, tổ chức phản biện lại kết quả của đơn vị giám định tư pháp, hoặc góp ý, bổ sung khi có yêu cầu.
- Một số ý kiến cho rằng khâu khảo sát nền đất chưa chính xác, hoặc chưa đủ để phát hiện nền đất yếu, ông nghĩ sao về điều này?
- Luật đã quy định, nếu không khảo sát hoặc khảo sát chưa kỹ là vi phạm. Giả thiết của tôi về nguyên nhân sự cố là do sự mất ổn định của hệ thống đà giáo. Sự mất ổn định ấy có thể là do khả năng chịu lực của đà giáo không đủ, hoặc có thể do sự chuyển vị tức là do sự lún nhất định của đà giáo.
- Nhiều công nhân cho rằng, sự cố xảy ra do trụ cầu P14 bị nghiêng, vì nhà thầu đóng cọc không đủ độ sâu, theo ông nguyên nhân tại sao trụ này nghiêng?
- Nhìn mắt thường cũng thấy trụ cầu P14 nghiêng. Nhưng tôi cho rằng trụ này nghiêng theo khối lượng lớn dầm cầu và dàn giáo bị đổ. Tôi đã cho người đo đạc hằng ngày để theo dõi sự chuyển động của trụ cầu này. Hy vọng khi tháo tải thì nó sẽ trở về vị trí cũ.
- Một kỹ sư người Nhật có gửi bức thư cảnh báo về sự thiếu an toàn của công trình, ông có thông tin gì về bức thư này không?
- Tôi không nhận được bức thư này, có thể ông ta gửi về Ban quản lý dự án. Song bất kỳ cảnh báo an toàn nào đều phải được trân trọng. Nếu nhận được thư, chủ đầu tư cần phải xem xét lại, kiểm tra một cách đầy đủ những gì trong cảnh báo đó đề cập và trả lời bằng văn bản lại cho người gửi thư cảnh báo.
Ông Đặng Gia Nải, Viện phó phụ trách Viện Khoa học và công nghệ GTVT nhận định, nguyên nhân sự cố cầu Cần Thơ là do lỗi đà giáo và thi công trên nền đất yếu.
Theo ông Nải, khi thi công theo phương pháp dàn giáo cố định phải chồng lên khối lượng thép tới độ cao 10-28 m để chống đỡ dầm bê tông. Trong trường hợp như vậy, việc gia cố nền đất chống lún đòi hỏi chi phí tốn kém và phải có biện pháp tăng cường ổn định hệ thống đà giáo trong quá trình thi công.
- Một số chuyên gia cầu đường cho rằng biện pháp thi công của công trình này chưa tốt. Việc đổ bê tông tại chỗ trên hệ dàn giáo cố định là không thích hợp khi thi công trên nền đất yếu, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?- Có thể thay dàn giáo cố định bằng cách thi công trên hệ đà giáo di động, chúng ta đã áp dụng rất thành công với cầu Thanh Trì, Hà Nội. Song, có thể đây là do lựa chọn của nhà thầu, vì mỗi nhà thầu có những kinh nghiệm riêng về biện pháp thi công. Không phải giải pháp chống đỡ ở cầu Cần Thơ là không đúng, hoàn toàn vẫn có thể làm được.
- Cục giám định đã nhận được hồ sơ về phần thử tải của dàn giáo chưa?
- Chúng tôi đang tập hợp tài liệu, chưa nhận được hồ sơ đó, cơ quan điều tra đang phong tỏa.
- Sau khi giải quyết xong sự cố, phần công trình đã hư hỏng liệu có đảm bảo để xây dựng tiếp không, thưa ông?
- Công trình sẽ phải tiếp tục xây dựng sau khi tìm được ra nguyên nhân sự cố. Cơ quan chuyên môn sẽ phải đánh giá lại toàn bộ hiện trạng công trình, những hạng mục bị hư hỏng sẽ tháo dỡ, trụ cầu sẽ được kiểm tra khả năng chịu tải mới có thể bắt đầu xây dựng.
Đoàn Loan - Nguyễn Hưng