Ngày 22/9, tại hội nghị cung cấp thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông đầu năm, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Cục phó Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, đã trả lời câu hỏi vì sao Nghị định 100/2019 xử phạt tài xế có nồng độ cồn, trong khi Quyết định 320/2014 của Bộ Y tế nêu nồng độ cồn trong máu của người bình thường dưới 10.9 mmol/l.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức nói bản thân mỗi người khi sinh ra đã có lượng men nhất định trong máu để giúp tiêu hóa. Tuy nhiên, cảnh sát giao thông khi kiểm tra nồng độ cồn ngoài hiện trường là đo qua hơi thở, không phải xét nghiệm máu. "Quy trình được thực hiện theo hai bước, gồm đo định tính và đo định lượng nên không có chuyện nhầm lẫn", thiếu tướng Đức nói.
Cụ thể, trên máy đo nồng độ còn có hai chế độ. Khi dừng phương tiện, cảnh sát giao thông sẽ đo bằng chế độ xác định người tham gia có cồn hay không (định tính). Sau khi có kết quả nghi ngờ, cảnh sát sẽ đo để xác định hàm lượng cụ thể là bao nhiêu làm căn cứ xử phạt.
Giải thích thêm, bà Trần Thị Trang, Vụ phó Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết văn bản quy phạm pháp luật không quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể. Quyết định 320/2014 về định lượng ethanol (nồng độ cồn) trong máu quy định trị số bình thường <10.9 mmol/l (dưới 50 mg/100 ml). Ethanol 10.9-21.7 mmol/l thì có biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén; 21.7 mmol/l thì ức chế thần kinh trung ương và 86.8 mmol/l có thể gây nguy hại cho tính mạng.
"Nội dung trên là sự phân loại các mức/ngưỡng nồng độ cồn tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng theo chuyên môn y tế, không đồng nghĩa với cách hiểu cho phép trong máu có cồn dưới 10 mmol/l hay coi đó là cồn tự nhiên trong cơ thể", bà Trang nói.
Lý giải việc một số tài xế nói chỉ ăn hoa quả, uống siro nhưng khi kiểm tra có cồn, trung tá Dương Thị Thu Trang, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, cho biết thực tế đã có nhiều tài xế vào viện xét nghiệm máu. Nếu chỉ số xét nghiệm máu ở mức thấp thì cơ quan công an cũng sẽ không xử phạt. Tuy nhiên, những trường hợp như trên rất hãn hữu.
Vụ phó Pháp chế Bộ Y tế giải thích thêm, người ăn một số món lên men, một vài loại trái cây có thể có nồng độ cồn, song rất nhỏ, không đến mức kiểm tra hơi thở có cồn. Tuy nhiên, người dân cần biết sau khi ăn những món đó không nên tham gia giao thông ngay mà đợi 5-10 phút.
Hơn hai tháng cao điểm Tết Nguyên đán 2023 (15/11/2022-5/2/2023), Cục Cảnh sát giao thông cho biết cả nước đã tổ chức hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra kiểm soát, xử lý hơn 660.000 trường hợp vi phạm, phạt hơn 1.200 tỷ đồng, tước 121.000 giấy phép lái xe, tạm giữ 9.400 ôtô, hơn 171.000 môtô. So với cùng thời gian trước liền kề, số tiền phạt tăng 5,68%.
Với chuyên đề nồng độ cồn, cảnh sát giao thông đã xử phạt hơn 117.000 trường hợp, chiếm 18,11% tổng số vi phạm. Trong đó, có 110.000 lái xe môtô, 6.000 tài xế ôtô, thu ngân sách hơn 540 tỷ đồng. So với cùng thời gian trước liền kề, số vụ xử phạt tăng gần 22%, tiền phạt tăng 30%.
Luật Phòng chống tác hại rượu, bia nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nghị định 100/2019 quy định ba ngưỡng nồng độ cồn, tương ứng với ba mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy, ôtô.
Với xe máy, mức thấp nhất chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa quá 0,25 mg/lít khí thở thì người điều khiển bị phạt 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng. Mức cao nhất vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở thì người điều khiển bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Với ôtô, mức thấp nhất chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa quá 0,25 mg/lít khí thở thì tài xế bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng. Mức cao nhất vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở thì tài xế bị phạt 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Gia Chính - Lê Nga