Ngày 10/6, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đơn vị đang nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện quy định xử lý nghiêm các trường hợp mua bán xe, sang tên đổi chủ không nộp lại đăng ký.
Theo ông Dũng, hiện CSGT gặp nhiều khó khăn trong việc xử phạt "nguội" qua hình ảnh vì vướng vấn đề xác minh chủ phương tiện vi phạm. Nhiều trường hợp cảnh sát gửi giấy mời mấy lần không đến tay người vi phạm, do chủ phương tiện thay đổi liên tục trong quá trình mua, bán xe song không nộp lại đăng ký.
Để giải quyết tình trạng trên, Trung tướng Dũng cho rằng, "khi mua bán xe, chậm nhất trong 7 ngày, người bán phải trả lại giấy đăng ký, người mua bắt buộc phải làm lại theo đúng tên của mình; còn trường hợp không nộp lại sẽ bị cảnh sát xử phạt hành vi không đăng ký xe theo quy định".
Lãnh đạo Cục CSGT nhấn mạnh, xây dựng được khung pháp lý và các chế tài mạnh tay với hành vi không chuyển quyền sở hữu xe, không nộp lại đăng ký xe "là tiền đề tốt để tiến tới trong tương lai, cảnh sát chỉ xử phạt qua hệ thống camera, giảm công sức cho lực lượng chức năng".
Ngoài ra, Cục CSGT đề xuất người dân khi đi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng; thông qua đăng ký tài khoản ngân hàng giúp cảnh sát dễ dàng xử phạt vi phạm, đồng thời tránh cho người dân phải đi lại nhiều lần. "Việc này cần được thảo luận thêm và chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ của người dân, các cơ quan liên quan", Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nói.
Theo số liệu của Cục CSGT, trong 6 tháng đầu năm, cảnh sát giao thông trên toàn quốc xử phạt gần 1,8 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 2.000 tỷ đồng. Cảnh sát cũng phát hiện gần 240 tài xế ôtô dương tính với ma tuý và gần 73.200 tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Trong 10 ngày phần mềm tra cứu thông tin xe vi phạm hoạt động, có hơn 3 triệu lượt truy cập, tra cứu các lỗi vi phạm. CSGT toàn quốc cập nhật 13.670 trường hợp bị tạm giữ, tước giấy phép lái xe và trên 2.600 xe vi phạm bị hệ thống camera phát hiện.