Sáng 11/4, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi hội nghị, tập huấn cho các cơ quan quản lý phía Bắc về việc triển khai Nghị định 22, có hiệu lực từ ngày 10/4. Nghị định này kế thừa đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, thay thế các nghị định cũ.
Cơ quan quản lý khẳng định có phần mềm xác định chi tiết một ngày có bao nhiêu tác phẩm trên tivi, ca sĩ nào thể hiện, phát giờ nào, tác phẩm thuộc băng đĩa do ai phát hành, thời lượng được trình chiếu... Hiện tại có nhiều doanh nghiệp cung ứng cho dịch vụ "bóc tách" này. Trước mắt, Cục dự định tư vấn phương pháp này đối với các chương trình truyền hình và đã có đơn vị nghe theo. Những nội dung khai thác từ mạng Internet đang được nghiên cứu theo lộ trình.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục, việc phải tính chi li, cụ thể từng bài hát sử dụng trên tivi để tính toán số tiền thu là chuyện khó. Quan trọng nhất vẫn là sự thống nhất giữa các bên đại diện, sử dụng tác phẩm với nhau. "Đây là quan hệ dân sự. Họ phải tự thỏa thuận, đàm phán để đạt được mức giá cuối cùng, thỏa mãn được nhu cầu đôi bên. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hướng xử lý duy nhất là đưa ra tòa án", Cục trưởng Bản quyền bộc bạch.
Nghị định mới quy định rõ ràng hơn về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng cũng như tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan. Đại diện Cục chia sẻ: "Ví dụ, trong lĩnh vực âm nhạc, khi đi thu phí tác quyền, tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan phải chứng minh được họ đại diện cho ai, thu tiền cho tác phẩm gì, những ca khúc nào được sử dụng trong mỗi thời điểm... Bên được ủy quyền cũng phải công khai các thông tin để các cá nhân, tổ chức chủ động đến liên hệ để xin phép sử dụng. Tài sản của ai người đó phải tự bảo vệ, không thể bắt phía khai thác chứng minh họ đã sử dụng hay không".
Các cơ quan thừa nhận công tác quản lý và thực thi Luật sở hữu trí tuệ thời gian qua diễn ra phức tạp, có nhiều bất cập ở đủ lĩnh vực. Ông Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội - chia sẻ: "Các lĩnh vực văn hóa vốn rất rộng, từ mỹ thuật nhiếp ảnh, biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc... Trong khi đó, lực lượng thanh tra rất mỏng. Người chuyên trách về quyền tác giả ở cấp thành phố được các Sở giao nhiệm vụ chỉ có một và phải kiêm nhiệm rất nhiều. Mức độ hiểu biết của mỗi người lại có hạn. Chưa kể, xuống cấp quận, huyện... các đồng chí phụ trách mảng này cũng gặp khó khăn riêng".
Tuy vậy, nguyên nhân gây ra bất cập về bản quyền không chỉ đến từ mỗi cơ quan quản lý mà còn đến từ chính các tác giả. Theo ông Trực, các tác giả vẫn chưa có ý thức bảo vệ bản thân cùng tác phẩm của mình. Nhiều người phải đến khi xảy ra tranh chấp mới đến Cục bản quyền để đăng ký được bảo vệ.
"Rất hiếm tìm được các nghệ sĩ, họa sĩ chủ động đi đăng ký tác quyền. Điều này dẫn đến câu chuyện cách đây không lâu, có họa sĩ vì tranh chấp bản quyền với một người khác nhưng không tự bảo vệ được bản thân. Vì quá bức xúc, ông ấy đã ra cửa hàng trưng bày, tự tay rạch bức tranh do chính mình vẽ và ký tên", ông Trực kể.