
Băng tan có thể khiến cực Bắc dịch chuyển 27 m vào năm 2100. Ảnh: Sean Gallup
Khi những tấm băng tan chảy và khối lượng đại dương được phân bổ lại trên toàn cầu, các cực Bắc và Nam địa lý có thể dịch chuyển tới 27 m vào năm 2100 do trục quay của hành tinh thay đổi, Live Science hôm 8/4 đưa tin. Nghiên cứu mới, công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters, cho rằng sự dịch chuyển này có thể ảnh hưởng đến việc định vị vệ tinh và tàu vũ trụ.
Cực địa lý là điểm mà trục quay giao cắt với bề mặt Trái Đất. Khi Trái Đất quay, sự thay đổi trong phân bố khối lượng của hành tinh khiến nó dao động trên trục giống như con quay lắc lư. Nhiều dao động diễn ra đều đặn và có thể dự đoán - một số dao động bắt nguồn từ những thay đổi thường xuyên trong áp suất khí quyển và hải lưu, số khác do sự tương tác giữa lõi và lớp phủ Trái Đất.
Tuy nhiên, băng tan và sông băng cũng có thể ảnh hưởng đến sự phân bố khối lượng và làm dịch chuyển các cực Trái Đất. Trong nghiên cứu mới, nhóm nhà khoa học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) tìm hiểu sự di chuyển của các cực giai đoạn 1900 - 2018 và thông tin về băng tan để dự đoán xem các cực có thể di chuyển bao xa trong nhiều kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau mà con người gây ra.
Kết quả, cực Bắc có thể dịch chuyển về phía tây hơn 27 m vào năm 2100 trong kịch bản phát thải khí nhà kính xấu nhất. Trong kịch bản lạc quan hơn, cực này vẫn dịch chuyển tới 12 m so với vị trí của nó vào năm 1900. Nước tan từ tấm băng Greenland và tấm băng Nam Cực đóng vai trò lớn nhất trong các mô phỏng, sau đó đến sông băng tan.
"Tác động này có phần vượt trội hơn sự điều chỉnh đẳng tĩnh sông băng - hiệu ứng hồi phục của Trái Đất rắn sau khi kết thúc kỷ băng hà cuối cùng", đồng tác giả nghiên cứu Mostafa Kiani Shahvandi, nhà khoa học Trái Đất tại Đại học Vienna, cho biết.
Nói cách khác, đất ở bề mặt lớp vỏ Trái Đất chìm dưới sức nặng của các sông băng kỷ băng hà và lại dâng lên khi sông băng tan chảy, làm thay đổi sự phân bố trọng lượng trong vỏ Trái Đất và khiến các cực dịch chuyển. "Điều này đồng nghĩa, hoạt động của con người phần nào làm dịch chuyển cực nhiều hơn hiệu ứng của kỷ băng hà", Kiani Shahvandi nói.
Sự thay đổi trong trục quay Trái Đất có thể ảnh hưởng đến định vị vệ tinh và tàu vũ trụ. Các nhà khoa học xác định vị trí của tàu vũ trụ một phần nhờ sử dụng trục quay của Trái Đất làm tham chiếu. Nếu trục này dịch chuyển theo thời gian, việc xác định vị trí chính xác của tàu vũ trụ có thể trở nên khó khăn hơn.
Trong tương lai, các nhà khoa học có thể kiểm tra dữ liệu khí hậu cổ xưa để tìm hiểu xem các cực đã dịch chuyển bao nhiêu trong những giai đoạn biến đổi khí hậu tự nhiên suốt hàng triệu năm qua. Theo Kiandi Shahvandi, điều này sẽ giúp hé lộ xem hoạt động của con người ảnh hưởng lớn thế nào đến sự di chuyển của các cực.
Thu Thảo (Theo Live Science)