Một buổi chiều muộn ngày cuối tuần, các công nhân tại trang trại gần Thượng Hải dùng vợt dài chuyển những con cua nặng 300gr từ ao bùn sang một bể nước sạch nhỏ. Đến sáng, khi những con cua này đã sạch bùn, chúng sẽ được đóng gói để giao cho người mua trên toàn Trung Quốc.
Đây không phải loài cua bình thường. Chúng là cua lông - loại đặc sản có giá lên tới 2.700 nhân dân tệ (400 USD) cho một hộp 8 con và chỉ có thể mua được trong vài tuần của mùa thu. Giá một số giống cua được ưa chuộng nhất tại Trung Quốc cũng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại dịch đang làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng nó lại giúp Ma Mingjun - chủ một trang trại - ăn nên làm ra. Thông thường, người Trung Quốc sẽ mua cua lông làm quà cho họ hàng hay khách hàng quan trọng. Nhưng giờ đây, khi chẳng thể đi Paris hay Milan để mua sắm, nhiều người khá giả quyết định chuyển sang các món đồ xa xỉ trong nước, như cua lông.
"Gần như toàn bộ cua lông trong bể của chúng tôi đã được đặt trước, nhanh hơn nhiều so với năm ngoái", Ma nói, "Để bù đắp việc không được đi du lịch, nhiều khách hàng mua cua to hơn để ăn với cả gia đình".
Nhu cầu cua lông tại Trung Quốc lên tới 120 tỷ nhân dân tệ năm ngoái và được dự báo lên 150 tỷ USD năm nay, theo hãng tư vấn AskCI Consulting. Loại đắt nhất năm nay là 1.600 nhân dân tệ một hộp, gấp đôi năm ngoái.
Đặc sản này là một trong những mặt hàng xa xỉ tại Trung Quốc đang ngày càng được ưa chuộng. LVMH và Kering báo cáo doanh thu tăng hai chữ số tại Trung Quốc trong quý II. Các cửa hàng miễn thuế tại Hải Nam cũng ghi nhận doanh thu tăng 167% trong kỳ nghỉ Quốc khánh.
Xu Ruyi - Giám đốc phụ trách Bắc Á tại hãng tư vấn Mintel Group giải thích xu hướng này một phần do lệnh cấm bay và quy định cách ly khiến người Trung Quốc phải chuyển sang các địa điểm trong nước. "Nhiều người giàu Trung Quốc vốn thích mua mọi thứ ở nước ngoài thì giờ đang tiêu tiền trong nước", Xu nói, "Những người thu nhập cao lạc quan hơn trong bất ổn kinh tế và sẵn sàng chi tiền cho thứ gì đó có thể xoa dịu họ, bù đắp lại một năm khó khăn".
Dù vậy, đại dịch không phải yếu tố duy nhất làm tăng nhu cầu cua lông. Phía đông Trung Quốc là nguồn cung chủ yếu suốt nhiều năm qua. Vì thế, người tiêu dùng ở các nơi khác từng rất khó mua hàng.
Nhưng giờ đây, với sự phát triển của logistics nhằm phục vụ các hãng thương mại điện tử như Alibaba hay JD.com, nông dân có thể dễ dàng vận chuyển cua đi xa. Cainiao - công ty logistics của Alibaba có thể vận chuyển cua sống trong nước trong vòng 2 ngày sau khi nhận đơn. Người tiêu dùng Singapore năm nay cũng có thể mua cua trên Taobao.
Để xoa dịu lo ngại về an toàn thực phẩm, nông dân Trung Quốc còn livestream để trấn an người tiêu dùng. Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng tham gia vào việc bán hàng.
Trong trang trại gần Thượng Hải, Ma Mingjun cho biết số cua của anh sẽ có chất lượng tốt nhất vào đầu tháng 11. Vì thế, anh và các nhân viên sẵn sàng làm thêm giờ để giao cua. "Chúng tôi sẽ làm xuyên đêm. Ai cũng xứng đáng nhận được điều gì đó tốt đẹp trong năm khó khăn này", anh nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)