Giữa những cánh cửa im lìm trong một dãy trọ cấp bốn ở thôn Nhuế, Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội trưa 8/3, duy nhất cửa phòng của Vũ Thị Nhung mở, nơi cô đang cho con ăn bột. Bé Bơ, hơn 5 tháng tuổi, ăn loáng hết đĩa bột. Nết ăn, nết ngủ của con khiến Nhung bớt phần nào nỗi lo đi gửi trẻ những ngày sắp tới. Nhưng người mẹ quê Ba Vì, Hà Nội còn nhiều trăn trở khác.
Nhung là phụ bếp trong khu công nghiệp, lương 4,2 triệu đồng một tháng. Chồng cô là đầu bếp chính, tổng lương cả hai vợ chồng được hơn chục triệu. "Đi gửi trường tư có mà hết lương nhỉ?", Nhung nhắc không dưới ba lần trong cuộc nói chuyện với phóng viên.
Đó là mức thu nhập lúc Nhung đi làm, hiện tại chỉ chồng cô cáng đáng nuôi vợ và hai con, trong đó bé lớn đang học lớp 1 ở quê. Bé Bơ còn quá nhỏ không thể xa bố mẹ, họ đành mang theo con đến xóm trọ, sống trong một căn phòng chưa đầy 10 m2, lợp fibro xi măng, thuê 500.000 đồng mỗi tháng.
"Muốn cho con học trường công cho đỡ chi phí nhưng nhỏ quá người ta không nhận", Nhung nói.
Xung quanh chỗ cô có hai trường công, phần lớn những gia đình công nhân không thể gửi con ở đó do các trường thường nhận sớm nhất từ hai tuổi. Họ càng không thể cho học các trường tư vì học phí quá lớn với mức thu nhập. Đường cùng, họ thường tìm đến những người hoặc nhóm trông trẻ tự phát.
Nhung cũng chọn hình thức này. Cô dự tính chi hai triệu đồng nhờ một bà trong xóm trông hộ.
Rất nhiều phụ huynh khác cũng phải ngược xuôi tìm chỗ gửi con để đi làm sau thời gian thai sản. Với mức lương trung bình 7,4 triệu đồng một tháng (thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn), không ít người vì mức phí gửi trẻ trường tư tốn gần hết thu nhập, đành bỏ việc ở nhà trông con.
Cũng vì chưa đủ tuổi học trường công, gia đình bé 17 tháng ở xã Vạn Điểm, Thanh Trì, Hà Nội đành phải gửi con cho một cơ sở tư nhân để mẹ đi làm. Bé tử vong sau 10 ngày đi học vì bị hai cô giáo bạo hành.
Cơ sở trông giữ trẻ này từng bị xã Vạn Điểm yêu cầu đóng cửa, xử phạt hai lần, gần nhất vào tháng 11/2022, do không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Nguy cơ bạo hành trẻ em ở những cơ sở trông giữ trẻ tự phát không phải lần này mới được cảnh báo. Đầu tháng 1 vừa qua, một bảo mẫu ở quận Bình Tân (TP HCM) tự mở lớp trông trẻ tại nhà cũng bị điều tra tội giết nguời vì gây ra cái chết với bé 6 tháng tuổi. Năm 2022, hai bảo mẫu ở Đà Lạt hành hạ một bé hai tuổi đến mức bị chấn thương sọ não, dập phổi phải mổ cấp cứu.
Tình trạng bạo hành liên tiếp xảy ra ở các cơ sở giáo dục mầm non. Khảo sát "Bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập" thực hiện từ năm 2016 đến tháng 3/2021, đăng trên tạp chí Giáo chức Việt Nam (Viện nghiên cứu phát triển giáo dục) cho thấy bạo hành tại các cơ sở này chiếm 85% (16/19) số vụ, đặc biệt ở các nhóm trẻ tự phát, không được cấp phép.
Không chỉ giới hạn độ tuổi trẻ được nhận vào trường công, mà ngay đến những trẻ trong độ tuổi được xem là thích hợp nhất để đến trường, cũng đang phải tham gia vào cuộc chơi may rủi để có suất đi học. Tình trạng này xảy ra ở một số tỉnh thành phố có mật độ dân cư đông, nhất là Hà Nội.
Tháng 8/2022, chị Nguyễn Thị Nga, 38 tuổi, bốc thăm cho con ba tuổi vào trường mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Lá phiếu "không trúng tuyển" buộc chị cho con ở nhà thêm một năm. Người mẹ quyết tâm năm nay vẫn sẽ tham gia vào cuộc may rủi để kiếm suất cho con đi học, nếu không được sẽ chọn phương án bất đắc dĩ là cho con học trường tư.
Phường Hoàng Liệt có 83.000 nhân khẩu, mỗi năm có thêm khoảng 2.000 trẻ. Tính đến tháng 7/2022, phường có hơn 8.150 trẻ trong độ tuổi mầm non song chỉ có một trường công lập với bốn cơ sở, đáp ứng được gần 20% số trẻ. Hơn 80% còn lại sẽ phải theo học tại các cơ sở giáo dục tư thục, trông trẻ tự phát.
Hoàng Liệt không phải cá biệt. Nhiều khu vực tại Hà Nội, đặc biệt là 12 quận nội thành, số trường lớp không theo kịp học sinh. Theo Niên giám thống kê 2020 của Cục Thống kê, số trẻ mầm non của Hà Nội năm học 2020-2021 là 526.000, trong đó 357.700 trẻ theo học tại trường, lớp công lập (chiếm 69,91%).
Với 11.955 lớp công lập, số trẻ trung bình một lớp là 31,5, cao hơn quy định tối đa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (30). Cụ thể, sĩ số trong mỗi lớp của quận Cầu Giấy là 44,91; Nam Từ Liêm 42,07, Tây Hồ 38,44, các quận Long Biên, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân là 32-37.
Số trường, lớp mầm non công lập và ngoài công lập của 12 quận nội thành Hà Nội. Nguồn: Niên giám thống kê 2021
Luật Bảo hiểm xã hội quy định, lao động nữ được nghỉ sinh con 6 tháng nhưng việc các trường mầm non công lập chỉ nhận trẻ từ 12 tháng trở lên đã gây khó cho các gia đình. Quy định các cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ từ 3 tháng đến dưới 6 tuổi đã được đưa vào Điều lệ trường mầm non từ năm 2008 và tiếp tục có trong Dự thảo Luật Giáo dục được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên đến nay mới có một số tỉnh thành triển khai nhận trẻ từ 6 tháng tuổi như TP HCM, Đà Nẵng. Tại Hà Nội, hầu hết các trường nhận trẻ từ 2 tuổi, thậm chí từ 3 tuổi trở lên.
Việt Nam luôn xem đầu tư cho giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Theo báo cáo, dự toán chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục đào tạo năm 2022 là 275.700 tỷ đồng, chiếm 15% tổng chi ngân sách nhà nước.
Thực tế, đầu tư cho giáo dục hiện nay chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng dân số. "Điều này đòi hỏi cấp thiết phải nghiên đầu tư cho giáo dục, đảm bảo hệ thống trường công lập ở các cấp phải đáp ứng tương đối đầy đủ, đặc biệt cấp mầm non", phó giáo sư Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, đại biểu quốc hội khóa 13, nói.
Bà An đề nghị chính phủ chỉ đạo tất cả các địa phương nghiên cứu các mô hình các trường công lập nhận trẻ từ 6 tháng tuổi trẻ lên, tạo điều kiện cho bố mẹ các em yên tâm lao động, tạo lập cuộc sống.
"Xã hội hóa giáo dục vẫn rất cần, nhưng có lẽ chỉ dành cho người có điều kiện. Nếu không có hệ thống trường công lập đủ cho trẻ em, nhất là trẻ của những gia đình lao động khó khăn, có thể sẽ vẫn còn những chuyện đau lòng xảy ra", bà An nhấn mạnh. Song song, cần xem xét, rà soát lại hệ thống giáo dục, đồng thời tăng cường chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, người trông trẻ, bất kể công lập hay tư thục.
Ngay sau vụ bé 17 tháng tuổi bị bảo mẫu bảo hành tử vong, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề nghị các địa phương tăng cường triển khai công tác quản lý giáo dục trên địa bàn, đặc biệt đối với hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường cao đẳng sư phạm trung ương cho biết hiện tại giáo viên mầm non theo học tại trường được đào tạo nuôi dạy, chăm sóc trẻ từ 0 đến 6 tuổi, nên luôn có thể đáp ứng trông giữ trẻ trong nhóm tuổi này.
Người học sẽ hiểu được trẻ có các đặc điểm tâm lý như thế nào từ khi sinh ra đến 6 tuổi và các phương pháp giáo dục phù hợp theo các độ tuổi. Họ cũng được rèn luyện kỹ năng của người giáo viên, luật trẻ em, giao tiếp ứng xử với trẻ.
"Xuyên suốt ba năm đào tạo, chúng tôi truyền tải cho sinh viên đạo đức đầu tiên của nghề giáo viên mầm non phải yêu thương trẻ như thương yêu con em mình", bà Vân nói thêm.
Khác với phần đông những gia đình công nhân ở thôn Nhuế, Kim Chung - hầu hết đang tự tìm, tự tạo các nhóm lớp để trông con - vợ chồng anh Trần Độ, 33 tuổi, thỏa thuận một trong hai sẽ nghỉ việc chăm con.
Cân nhắc thiệt hơn, anh Độ, làm trong ngành xây dựng, quyết định ở nhà, còn vợ, công nhân khu công nghiệp Thăng Long sẽ đi làm. Vợ anh có thâm niên 14 năm, buộc phải quay trở lại công việc để không bị gián đoạn chế độ bảo hiểm và thâm niên.
Cặp sinh đôi của họ, một bé trai và gái, là kết quả của cuộc hôn nhân 5 năm và hai lần thụ tinh ống nghiệm khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Giờ với họ gửi con hay thuê người trông là không thể. Cặp vợ chồng tính sắp tới cai sữa sẽ gửi hai con về quê cho ông bà nội ngoại chăm sóc.
"Giá như có một trường công lập dành cho con em công nhân, vợ chồng tôi sẽ không phải xa hai con của mình", người đàn ông quê Cẩm Khê, Phú Thọ, chia sẻ.
Phan Dương