Sau khi nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, shipper chỉ được giao các mặt hàng thiết yếu, nhiều hệ thống kinh doanh điện thoại, đồ điện tử đã thông báo dừng cả hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, cho biết, doanh số bán hàng của hệ thống đã giảm còn 30% khi phải đóng các cửa hàng offline. Nhưng khi phải dừng cả hoạt động online, doanh thu của hệ thống cũng không còn, trong khi chi phí mặt bằng, thuế phí, vay lãi... vẫn phải trả, gây sức ép lớn lên việc duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp.
Theo đại diện các nhà bán lẻ, hệ thống kinh doanh thiết bị di động, điện tử, việc dừng tất cả phương thức kinh doanh đồng nghĩa doanh thu bằng 0. Ông Lê Xuân Tình, đại diện hệ thống XT Moblie, cho rằng đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp kinh doanh di động. Một số hệ thống chọn phương pháp tối ưu chi phí vận hành bằng cách cách giảm, đóng các cửa hàng. Số khác tiếp tục tìm các biện pháp cải thiện doanh thu, chuyển đổi mặt hàng kinh doanh.
"XT Mobile đã phải giảm số lượng cửa hàng, thương lượng với chủ mặt bằng và các đối tác để trả tiền chậm. Song song đó, hệ thống phải bán các sản phẩm y tế, như kit test nhanh Covid-19, máy oxy. Tạm thời các mặt hàng này đang được nhiều người tìm mua, nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Từ tháng 6, hệ thống phải chuẩn bị các kịch bản nếu dịch bệnh đến tháng 8 mới được kiểm soát và cuộc sống bình thường lại vào đầu tháng 9", ông Tình nói.
Thay vì chọn phương án giảm nhân sự, đóng các cửa hàng, ông Đạt Nguyễn, CEO hệ thống Di Động Việt, kết hợp với các đơn vị cung ứng thực phẩm, mở gian hàng "Thực phẩm chia sẻ" tại 14 cửa hàng kinh doanh di động của mình ở TP HCM. "Các hoạt động buôn bán truyền thống phải tạm dừng, kể cả online lẫn offline. Nhưng cửa hàng, mặt bằng vẫn phải duy trì, nên mình quyết định chuyển sang bán thực phẩm, giúp bình ổn giá. Bọn mình có những gian hàng 0 đồng cho bà con nghèo, có những gian hàng đồng giá 30 nghìn đồng. Mặc dù kinh doanh phi lợi nhuận, chấp nhận lỗ, đây là dịp để doanh nghiệp chung tay với thành phố chống dịch", ông Đạt Nguyễn chia sẻ.
Theo chủ các hệ thống kinh doanh di động, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp từ năm ngoái. Nếu tiếp tục kéo dài, nhiều hệ thống nhỏ có thể không cầm cự được. "Kịch bản xấu nhất là dịch bệnh diễn biến phức tạp đến tận tháng 10, hệ thống phải giảm thêm 30% chi nhánh, theo thứ tự doanh số từ dưới lên", đại diện XT Mobile cho biết.
Ngay cả khi dịch bệnh đã qua đi, việc vực dậy hoạt động kinh doanh cũng không dễ dàng. Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, nhận định: "Năm ngoái, khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh doanh sôi động hơn vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, năm nay kịch bản này khó lặp lại vì cuộc sống của mọi người bị ảnh hưởng khá nặng nề, sức mua yếu đi nhiều. Thời gian giãn cách dài khiến hầu hết doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Dịch bệnh đã ăn mòn tài sản, tích luỹ của mọi người nên khó có một dự đoán tươi sáng cho ngành kinh doanh di động trong năm nay".
Khương Nha